Thứ Năm, 26 tháng 2, 2015

Đường đông, nhưng không ùn tắc kéo dài

Ngày 23-2, ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, dòng người từ các tỉnh, thành phố bắt đầu trở lại Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các thành phố lớn. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Nhân Dân tại các địa phương, mặc dù lượng người và phương tiện trên các tuyến quốc lộ, tại khu vực cửa ngõ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đông hơn bình thường nhưng tình hình giao thông vẫn được bảo đảm.
Đường đông, nhưng không ùn tắc kéo dài
Tại xa lộ Hà Nội (TP Hồ Chí Minh), mặc dù lượng người tham gia giao thông khá đông, nhưng không xảy ra ùn tắc.

Ngay từ sáng sớm 23-2, các tuyến đường cửa ngõ Thủ đô Hà Nội đông nghịt người và phương tiện giao thông. Tại các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm, Nước Ngầm, lượng hành khách ước tính tăng 40% - 50% so với ngày thường. Người nào cũng tay xách nách mang, đồ đạc lỉnh kỉnh, tấp nập xuống xe, đổ vào trung tâm thành phố bằng đủ các loại phương tiện. Do thời tiết dịp Tết khô ráo, nắng ấm, nhiều người từ các tỉnh lân cận trở lại thành phố bằng xe máy, góp phần giảm tải cho các bến xe. Bên cạnh đó, Tết năm nay được nghỉ sớm, kéo dài chín ngày, nhiều gia đình về quê ăn Tết trở lại thành phố rải rác từ ngày hôm trước để thưởng thức không khí xuân tại Hà Nội. Chiều tối 22-2 (tức mùng 4 Tết), các tuyến đường dẫn về Hà Nội đều đông đúc; tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ xảy ra ùn tắc kéo dài. Ngày mùng 5 Tết, mặc dù là ngày cao điểm nhất, lượng phương tiện tuy tăng vọt trên các tuyến đường, song không xảy ra ùn tắc. Từ sáng sớm, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ, đường sắt (Công an TP Hà Nội) đã ra quân đầu năm bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT), huy động 100% quân số phối hợp các lực lượng chốt trực, hướng dẫn giao thông tại 336 nút và 25 chốt trọng điểm; tăng cường lực lượng tuần tra lưu động trên 14 tuyến quốc lộ, trục chính ra vào thành phố.
Đường đông, nhưng không ùn tắc kéo dài
Các tuyến xe buýt tại Hà Nội được tăng tần suất vận chuyển nhằm giải tỏa nhanh hành khách.

Tại các điểm tập trung đông phương tiện ra vào thành phố như bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình, các điểm trung chuyển nhà ga, các tuyến ra vào nội đô, lực lượng CSGT chủ động phân luồng từ xa, tránh ùn tắc cục bộ. Tuy nhiên, đến chiều 23-2, lượng phương tiện đổ về Hà Nội dày đặc, ùn ứ xảy ra tại các cửa ngõ dẫn về thành phố; hành khách tại các bến xe như Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm,...tăng mạnh. Do bến Mỹ Đình đã hoàn thiện việc mở rộng, nên đáp ứng về nhu cầu đỗ xe cũng như giải tỏa khách khá dễ dàng, thông thoáng. Bến cũng chủ động phối hợp lực lượng CSGT, trật tự, thanh tra giao thông và lực lượng an ninh của bến, tổ chức phân luồng trên đường Phạm Hùng, các cửa ra, vào bến để giải tỏa giao thông, tránh ùn ứ. Đối với hành khách đến, bến phát loa hướng dẫn hành khách sử dụng các dịch vụ vận tải hỗ trợ để về nội đô như xe buýt, ta-xi, xe ôm. Bến xe Giáp Bát cũng phối hợp các lực lượng chức năng phân luồng từ xa trên đường Giải Phóng để tránh ùn tắc cục bộ khu vực ra vào; sắp xếp, bố trí cho xe về bến, tránh tình trạng mất trật tự, an toàn tại bến xe; tăng tần suất vận chuyển các tuyến xe buýt vào ngày 23-2.

Từ ngày 22-2, người dân các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu đổ về TP Hồ Chí Minh và có xu hướng ngày càng đông. Tại bến phà Vàm Cống (quốc lộ 80, nối Đồng Tháp và An Giang), dòng xe cộ ùn lại trên hướng từ An Giang sang Đồng Tháp. Xe khách từ Rạch Giá (Kiên Giang) về TP Hồ Chí Minh phải mất hơn một giờ đồng hồ mới có thể qua được phà Vàm Cống. Thêm vào đó, người dân các nơi đổ về trảy hội Núi Sam, bà chúa Xứ,... cũng khiến giao thông bị gia tăng áp lực. Trong vài ngày qua, tại một số địa phương lân cận TP Hồ Chí Minh đã xảy ra ùn tắc cục bộ. Trên quốc lộ 1, thuộc địa bàn tỉnh Tiền Giang xảy ra nhiều điểm ùn tắc giao thông, nhất là tại khu vực cầu Mỹ Quý, ngã tư thị trấn Cai Lậy, cầu Cai Lậy, cầu Phú Nhuận (huyện Cai Lậy) và cầu Bà Đắc (huyện Cái Bè),... Trên quốc lộ 51 (đoạn từ ngã ba giao lộ Nhơn Trạch - quốc lộ 51 đến cầu Suối Cả) thuộc huyện Long Thành (Đồng Nai), đã xảy ra kẹt xe kéo dài hơn 5 km diễn ra trong nhiều giờ liền. Trong chiều 22-2, lượng người và xe cộ từ các tỉnh miền tây đổ về TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền đông tăng cao, gây kẹt xe kéo dài nhiều đoạn trên quốc lộ 1. Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc không nghiêm trọng như mọi năm do một số điểm kẹt xe thường xuyên như cầu Kinh Xáng (huyện Châu Thành), cầu Cổ Cò, cầu An Hữu (huyện Cái Bè) đã được xây dựng mới. Đại diện Bến xe Miền Đông (TP Hồ Chí Minh) cho biết, trong ngày 23-2, bến xe đón gần 1.400 xe khách với khoảng 40 nghìn người, tăng gấp hơn hai lần so với ngày hôm trước. Trong đó, lượng xe về bến chủ yếu từ các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ, miền trung,... Tương tự, tại cửa ngõ phía tây của thành phố, lượng người đi xe máy, ô-tô từ các tỉnh Tây Nam Bộ về tiếp tục tăng mạnh.

Trong ngày 23-2, dự kiến có thể đạt 35 nghìn khách về bến. Ngoài việc bảo đảm trật tự trên các tuyến đường, khu vực chung quanh bến, Bến xe Miền Tây cũng kiến nghị Sở Giao thông vận tải tăng cường xe buýt trên một số tuyến để người dân đi lại thuận tiện. Trên quốc lộ 51 đi Vũng Tàu, ngay từ sáng sớm 22-2, bắt đầu xảy ra ùn ứ giao thông nghiêm trọng. Người dân từ TP Hồ Chí Minh và một số địa phương khác đổ về Vũng Tàu tắm biển khá đông, gây ùn ứ kéo dài khoảng 3 km, từ hướng Long Thành đi Vũng Tàu ở khu vực trạm thu phí.

Trên tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành, lượng người, xe tăng nhưng không ùn tắc. Ngày 23-2, tại Bến xe Cần Thơ, đông đảo người dân các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long trở về TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ, lượng khách qua bến xe tăng hơn 30% so với ngày thường, với khoảng 18 nghìn lượt/ngày nhưng không xảy ra hiện tượng ùn ứ tại bến xe. Để phục vụ nhu cầu người dân, Công ty Cổ phần Bến xe tàu phà Cần Thơ tăng khoảng 300 chuyến xe/ngày, nâng tổng số chuyến xuất bến lên hơn 900 chuyến/ngày; hợp đồng với Công ty xe khách Sài Gòn chuẩn bị 100 chuyến xe để đề phòng hiện tượng khách tăng đột biến. Mặc dù lượng hành khách qua Bến xe Cần Thơ tăng nhưng do chuẩn bị tốt và phần lớn hành khách đi các tuyến cố định đặt vé từ trước nên không xảy ra tình trạng nhà xe tăng giá đột biến, bắt chẹt hành khách. Tuy nhiên, giá vé vẫn tăng khoảng 20% -40% so với ngày thường với lý do nhà xe bù cho "chiều rỗng" chạy ngược không có khách.

Trong dịp Tết, đường dây nóng của các bộ, ban, ngành, địa phương đã nhận hàng trăm cuộc gọi phản ánh về tình trạng nhồi nhét, chặt chém khách đi xe, nhưng vẫn không thể ngăn chặn việc tăng giá vé xe khách vô tội vạ. Ủy ban ATGT Quốc gia cho hay, đường dây nóng của Ủy ban đã tiếp nhận hàng trăm cuộc gọi, tin nhắn của người dân phản ánh về tình trạng nhà xe nhồi nhét, tăng giá vé gấp đôi trên một số tuyến như Phú Thọ - Hà Nội, Thanh Hóa - Hà Nội,... Một hành khách đi chuyến xe Ninh Bình - Hà Nội chiều 23-2 bức xúc phản ánh, bình thường đi tuyến này, giá vé chỉ 80 nghìn đồng/người, nhưng ngày Tết nhà xe thu vé một giá ở tất cả các chặng, đều 100 nghìn đồng/lượt, những hành khách đi chặng ngắn như Ninh Bình - Hà Nam hay Hà Nam - Hà Nội cũng bị thu mức 100 nghìn đồng/lượt. Tương tự, tuyến Cẩm Phả - Hà Nội, một gia đình ở Quảng Ninh trở về Hà Nội chiều 23-2 cho hay, giá vé thường ngày 100 nghìn đồng/lượt, nhưng nhà xe đã thu 150 nghìn đồng/vé.
Để hạn chế tai nạn giao thông trong những ngày tới, Ủy ban ATGT Quốc gia yêu cầu các thành phố lớn, nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện phương án bố trí, huy động lực lượng CSGT tại các khu vực cửa ngõ thành phố, đền, chùa, khu vực kinh doanh thực hiện phân làn, phân luồng, điều tiết giao thông tăng cường kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự ATGT.

Ngày 23-2, Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) cho biết, trong các ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2015 (từ 15-2 đến 22-2), lượng hành khách thông qua các cảng hàng không Việt Nam đạt 1,3 triệu hành khách, 13.700 tấn hàng hóa. Trong đó, các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển đạt 655 nghìn khách, 3.700 tấn hàng hóa. Thống kê chưa đầy đủ, với hơn 4.200 chuyến bay dịp Tết, có 928 chuyến bị chậm, trong đó Hãng hàng không Vietnam Airlines chậm 562 chuyến, Vietjet chậm 222 chuyến, Jetstar Paciịc chậm 124 chuyến, VASCO chậm 20 chuyến. Ngoài ra, có 35 chuyến bay bị hủy.

Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, trong ngày 23-2 (mùng 5 Tết), cả nước xảy ra 70 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 44 người, bị thương 68 người; trong đó đường bộ xảy ra 69 vụ, làm chết 43 người, bị thương 68 người, đường sắt xảy ra một vụ, làm chết một người. Trong chín ngày Tết (từ 15-2 đến 23-2), cả nước xảy ra 536 vụ TNGT, làm chết 317 người, bị thương 509 người. Trong đó, đường bộ xảy ra 525 vụ, làm chết 308 người, bị thương 505 người; đường sắt xảy ra 10 vụ, làm chết chín người, bị thương ba người.

BÀI VÀ ẢNH: HẠNH NGUYÊN, HƯNG QUÝ TÂM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét