Thứ Hai, 25 tháng 8, 2014

Xe tải trọng lớn được lưu thông trên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây

Một số thông tư sẽ có hiệu lực từ cuối tháng 8, bao gồm quy định về xét nghiệm nồng độ cồn, xe tải trên 10 tấn và xe container sẽ được chạy trên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, cá nhân từ 15 được phép mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng.
Xe tải trọng lớn được lưu thông trên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây
* Liên Bộ Y tế-Công an vừa ban hành thông tư số 26/2014/TTLT-BYT-BCA quy định về xét nghiệm nồng độ cồn (Etanol) trong máu của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Theo Thông tư (có hiệu lực từ 19/9/2014), người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm luật Giao thông đường bộ phải chi trả chi phí xét nghiệm nồng độ cồn trong máu theo giá dịch vụ khám, chữa bệnh.
4 trường hợp phải xét nghiệm gồm: người điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn hoặc bị tai nạn giao thông (TNGT) được cán bộ Công an đang giải quyết TNGT yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn trong máu; người điều khiển phương tiện giao thông có liên quan đến vụ TNGT được cán bộ công an yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn trong máu; người điều khiển phương tiện giao thông có dấu hiệu sử dụng chất có cồn được cán bộ công an đang làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông yêu cầu kiểm tra nông độ cồn trong máu; người điều khiển phương tiện giao thông bị TNGT được đưa đến cơ sở khám, chữa bệnh được bác sĩ chỉ định xét nghiệm nồng độ cồn trong máu.
* Từ 28/8, xe tải trên 10 tấn và xe container sẽ được chạy trên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Theo ông Phạm Hồng Quang (phó tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam), ngày 28/8 sẽ bắt đầu cho xe tải trên 10 tấn và xe container được lưu thông trên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (hiện nay chỉ cho xe có trọng tải dưới 10 tấn lưu thông).
Đơn vị quản lý đường cao tốc sẽ cho phát hành 40.000 tờ rơi, trong đó có nội dung cho biết đường cao tốc này không chấp nhận cho xe quá tải trọng lưu thông.
Giá cước xe đi trên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đoạn từ quận 9 (TP.HCM) đến Quốc lộ 51 (Đồng Nai) dài khoảng 20km như sau:
Xe dưới 12 chỗ ngồi, xe tải dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải hành khách công cộng 40.000 đồng/lượt.
Xe từ 12 ghế đến 30 ghế ngồi và xe tải từ 2 tấn đến dưới 4 tấn 60.000 đồng/lượt.
Xe từ 31 ghế ngồi trở lên và xe tải từ 4 tấn đến dưới 10 tấn 80.000 đồng/lượt.
Xe tải từ 10 tấn đến dưới 18 tấn và xe chở container 20 feet 100.000 đồng/lượt.
Xe tải từ 18 tấn trở lên và xe chở container 40 feet 160.000 đồng/lượt.
* Theo Thông tư 23/2014/TT-NHNN có hiệu lực từ 15/10/2014, cá nhân từ 15 đến 18 tuổi có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, có tài sản riêng bảo đảm thực hiện nghĩa vụ mới được phép mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Trước đó, cá nhân dưới 18 tuổi, muốn mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng bắt buộc phải thực hiện thông qua người giám hộ, người đại diện theo pháp luật.
(Thanh niên - Tuổi trẻ)

Doanh nghiệp Việt chỉ nắm 10% thị phần vận tải biển

Doanh nghiệp thua lỗ phải bán tàu, nhường sân cho tàu ngoại, tàu ngoại chiếm lĩnh thị trường thì doanh nghiệp Việt Nam lại càng khốn khó, VTV ghi nhận.
Ngành vận tải biển Việt Nam đang gặp rất nhiều vấn đề. Cả nước chỉ có 28 tàu container, đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu.
Doanh nghiệp Việt chỉ nắm 10% thị phần vận tải biển
Thế nhưng ngay cả với xuất nhập khẩu hàng rời, doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam cũng vẫn nhường sân cho tàu ngoại.
Tàu thì nhiều nhưng quá nhỏ nên hiệu quả khai thác vẫn ở mức thấp.
Tại cảng Hoàng Diệu, Hải Phòng, có 8 tàu đang bốc dỡ hàng hóa, trong đó có 3 tàu của doanh nghiệp trong nước, nhưng chủ yếu là tàu ngoại làm hàng xuất nhập khẩu, còn lại số hàng ít ỏi trong nước được chuyển về từ Quảng Ninh.
Máy trưởng Trần Văn Phong, Công ty Đoàn Thắng, gắn bó với nghề nhiều năm đã không khỏi nuối tiếc vì không có cơ hội chạy tuyến viễn dương.
"Tàu nhỏ quá, đi không đủ tiền dầu nên chỉ chạy chuyển tải, chạy tuyến gần thôi", ông tâm sự.
Ngay cả với những tàu chạy xuất nhập khẩu thì cũng bập bõm, nay có mai không, việc cạnh tranh với tàu ngoại gần như không thể.
"Đói" hàng, doanh nghiệp vận tải biển thua lỗ triền miên, giải pháp của họ chỉ có thể là bán tàu.
"Trước đội tàu của tôi khá đông, nhưng vì đợt khủng hoảng vừa rồi nên vài năm lại phải bán một cái để cắt lỗ", ông Nguyễn Hữu Hoàn, giám đốc Công ty cổ phẩn vận tải biển Hải Âu cho biết.
Bán bớt tàu thì nhường sân cho tàu ngoại, tàu ngoại chiếm lĩnh thị trường thì doanh nghiệp Việt Nam lại càng khốn khó.
Vòng luẩn quẩn này đã khiến thị phần vận tải xuất nhập khẩu của tàu nội ngày càng teo tóp.
Theo số liệu từ Cục hàng hải, thị phần vận tải xuất nhập khẩu của tàu biển Việt Nam đạt 21% trong năm 2007, nhưng 6 năm sau, con số này tụt xuống chỉ còn 15%, và nay thì chỉ còn 10%.
"Đội tàu Việt Nam nhỏ, chỉ chạy quanh khu vực Đông Nam Á, châu Á, còn những khu vực xa như châu Âu, châu Mỹ, châu Phi thì dành cho các đội tàu ngoại", ông Phan Thông - Tổng thư ký hiệp hội chủ hàng Việt Nam chỉ ra.
Được biết, tải trọng bình quân của đội tàu nội hiện nay chỉ vào khoảng 3.900 tấn/tàu, nhỏ hơn rất nhiều tải trọng trung bình của đội tàu trong nhóm 10 nước ASEAN, trong đó có cả quốc gia không có biển.

Kiến nghị mức xử phạt 100 triệu đồng với xe quá tải

Hiệp hội Vận tải Thành phố Hà Nội vừa có kiến nghị gửi Bộ GTVT, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam về việc xử lý xe quá khổ quá tải.
Trong đó nhấn mạnh việc tăng mức độ xử phạt hành chính đối với xe quá khổ, quá tải và giảm mức độ xử lý sai phạm của lái xe.
Kiến nghị mức xử phạt 100 triệu đồng với xe quá tải
Do đó, các thành viên của Hiệp hội vận tải Thành phố Hà Nội ủng hộ chủ trương "siết chặt quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng của các phương tiện vận tải" đồng thời kiến nghị công tác này phải làm quyết liệt, lâu dài.
Đối với Nghị định xử phạt hành chính, Hiệp hội kiến nghị tăng nặng mức phạt theo trọng lượng vượt tải, mức phạt dự kiến sẽ từ 5 triệu đồng đến 7 triệu đồng khi xe vượt tải trọng trên 50%. Hiệp hội đề nghị bổ sung mức phạt cao hơn tương ứng với mức độ vượt tải trọng, mức xử phạt tối đa có thể tới 100 triệu đồng.
Hiệp hội Vận tải Thành phố Hà Nội cũng kiến nghị phạt lũy tiến xe vượt tải theo chặng đường đã lưu hành kể từ khi xuất phát. Căn cứ xuất phát là lệnh vận chuyển. Đề nghị cơ quan có thẩm quyền xây dựng biểu mức phạt theo mức km đã chạy hoặc các tỉnh, các trạm cân đã vượt để hạn chế việc lách luật bằng cách xe né tránh trạm cân hoặc được "bảo kê".
Đối với việc tước quyền sử dụng giấy phép của lái xe tải, Hiệp hội kiến nghị giảm thời gian thu giữ từ 2 tháng xuống còn 1 tháng. Bởi lẽ sai phạm của lái xe do trách nhiệm của nhiều đối tượng như chủ hàng, chủ xe, "bảo kê"... vì vậy để đảm bảo quyền lợi cho người lao động chỉ nên dừng ở mức tước giấy phép lái xe 1 tháng.
Ngoài việc xử phạt hành chính, Hiệp hội Vận tải Thành phố Hà Nội cũng kiến nghị các cơ quan thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các đối tượng: "bảo kê", "cố ý làm trái", "hủy hoại tài sản của nhân dân và nhà nước".

Chính phủ chỉ đạo xây dựng cơ chế phát triển đường thủy nội địa

Việt Nam là một trong những quốc gia có hệ thống sông và mật độ sông lớn nhất thế giới, tuy nhiên đầu tư cho giao thông thủy còn rất hạn chế nên không phát huy hết được tiềm năng của loại hình này.