Thứ Ba, 30 tháng 12, 2014

Giá cước vận tải giảm chậm: Đông ý kiến, vắng giải pháp

Giá xăng dầu năm 2014 đã giảm tới 13 lần, nhưng cước vận tải và giá hàng hóa vẫn "bình chân như vại" hoặc giảm không đáng kể. Đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau nhưng giải pháp thực sự còn bỏ ngỏ.
 
Giá cước vận tải giảm chậm: Đông ý kiến, vắng giải pháp
Giá cước vận tải giảm chậm: Đông ý kiến, vắng giải pháp
Cần cơ chế linh hoạt trong xây dựng giá cước vận tải (Ảnh minh họa)

Thị trường hay cơ chế hành chính điều tiết

Xăng dầu là mặt hàng có tác động lớn đến đời sống sinh hoạt và các hoạt động kinh tế, cho nên mọi biến động về giá đều gây ra những phản ứng trái chiều. Trước đây, mỗi lần xăng tăng giá, cước vận tải và giá các mặt hàng hóa đều tăng.

Trong khi tính đến ngày 22/12, giá xăng đã có 13 lần giảm giá, tương đương 26% so với cuối năm 2013, thế nhưng giá cước vận tải mới giảm duy nhất một lần với tỷ lệ thấp dưới 10%. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến túi tiền của người tiêu dùng và hoạt động kinh tế hàng hóa.

Trước thực tế như vậy, hiện có hai luồng ý kiến khác nhau: Đại diện cho cơ quan quản lý và người tiêu dùng thì cho rằng, phải can thiệp bằng các biện pháp hành chính theo Luật Giá và các quy định khác. Ngược lại, một số chuyên gia và DN vận tải lại cho rằng, biện pháp hành chính khó khả thi và phi thị trường.

Ông Bùi Danh Liên- Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội - tuy đồng tình với cả hai ý kiến nêu trên nhưng cũng đưa ra quan điểm: Cơ chế thị trường cạnh tranh, nhà nước không hỗ trợ DN vận tải thì không thể yêu cầu DN có nghĩa vụ bình ổn thị trường.

Nếu nhà nước có dự trữ tốt, duy trì một mức giá xăng dầu thì mới giữ giá cước ổn định. Trong những lần tăng giá vừa qua, chỉ một số hãng lớn có thương hiệu mới tăng còn nhiều hãng nhỏ giữ nguyên giá.

Một số ý kiến cho rằng, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu dù tiến tới cơ chế thị trường thì vẫn phải có sự điều tiết của nhà nước. Do đó, cần có cơ chế linh hoạt trong xây dựng chính sách giá cước vận tải.

Giải pháp vẫn bỏ ngỏ

Theo ông Liên, xu hướng chung là DN vận tải đều chấp nhận sự điều tiết của thị trường và vì lợi ích chung của toàn xã hội, mặc dù xét về quyền lợi thì họ không muốn. "Do đó thời gian tới, chắc chắn giá cước vận tải sẽ giảm vì nếu không giảm thì DN không thể cạnh tranh.

Một lý do khác là thị trường vận tải Việt Nam từ trước tới nay đều cạnh tranh bằng giá chứ không phải bằng chất lượng dịch vụ"- ông Liên khẳng định.

Liên quan đến câu hỏi, liệu có ngụy biện không khi một số DN cho rằng: Giá cước giảm chậm là do thủ tục hành chính phức tạp? Ông Liên khẳng định: Sự thật đúng như vậy, vì theo quy trình muốn điều chỉnh tăng, giảm cước phải được 3 cơ quan gồm tài chính, thuế, giao thông vận tải thẩm định, tức là mất khoảng 3 - 4 tuần.

Rồi phải kiểm đếm, thu hồi, hủy vé, in phát hành vé mới, đăng ký kê khai thuế, thủ tục với bến xe, kiểm định đồng hồ... Chỉ riêng taxi tại Hà Nội đã lên tới trên 17.000 xe, một số hãng lớn được phép kiểm định đồng hồ còn phải kiểm định nhà nước.

Như vậy, nếu tính cả 5 lần điều chỉnh tăng thì giá xăng năm 2014 có tới 18 lần điều chỉnh, về mặt lý thuyết có nghĩa giá cước vận tải cũng phải có 18 lần điều chỉnh- nếu vậy thì khó có thể khả thi!

Các chuyên gia nhìn nhận, cần có cơ chế linh hoạt trong xây dựng chính sách giá cước vận tải. Nghĩa là quy định mức giảm sàn và linh hoạt mức tăng trần, đồng thời thủ tục hành chính đăng ký điều chỉnh giá cước phải tiện lợi, nhanh chóng, tránh phiền hà cho DN.
Ví dụ, giá xăng dầu tăng 5% thì DN vận tải có thể tăng giá cước tối đa tương ứng, hoặc vì lý do cạnh tranh họ có thể giữ nguyên hoặc tăng dưới 5%, nhưng khi giá xăng dầu giảm 5% thì bắt buộc DN phải giảm 5% so với chi phí đầu vào là xăng.
Theo Báo Công Thương

TP HCM thu hơn 26 tỷ đồng tiền phạt xe quá tải, dồn tải

Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng thành phố đã kiểm tra hơn 22.400 lượt xe, phát hiện và xử lý gần 6.000 trường hợp vi phạm quá tải.

Chiều 23/12, Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Tổng cục đường bộ Việt Nam tổ chức hội nghị Ký cam kết không xếp hàng lên phương tiện vượt quá tải trọng cho phép tham gia giao thông. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các ban ngành liên quan và doanh nghiệp vận tải.

TP HCM thu hơn 26 tỷ đồng tiền phạt xe quá tải, dồn tải

Xe nối đuôi nhau chờ nâng, hạ tải trên đường Lê Phụng Hiểu - đối diện cổng cảng Cát Lái
Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng thành phố đã kiểm tra hơn 22.400 lượt xe, phát hiện và xử lý gần 6.000 trường hợp vi phạm quá tải, chiếm khoảng 27%, phạt thu trên 26 tỷ đồng. Với trường hợp xe dồn tải, lực lượng liên ngành đã lập biên bản 61 trường hợp vi phạm và số tiền phạt hơn 300 triệu đồng.

Đại biểu dự hội nghị cho rằng, để xử lý triệt để tình trạng xe quá tải, ngoài triển khai các trạm cân lưu động thì ngăn chặn xếp hàng quá tải ngay từ gốc là giải pháp quan trọng, góp phần chấm dứt tình trạng xe quá tải hoạt động.

Đại diện các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa trên địa bàn thành phố cũng đã ký cam kết không xếp hàng lên phương tiện vượt tải trọng cho phép.

Nội dung bản cam kết nêu rõ: các đơn vị thực hiện nghiêm chỉnh việc xếp hàng hóa trên phương tiện theo đúng quy định khi tham gia giao thông trên đường bộ. Trong đó kiên quyết không xếp hàng vượt quá tải trọng; lập sổ sách theo dõi dữ liệu của phương tiện và khối lượng hàng hóa vận chuyển khi ra, vào nhà máy, mỏ; thực hiện ký xác nhận khối lượng hàng hóa xếp lên phương tiện vào Giấy vận tải hoặc các chứng nhận có liên quan đến vận tải hàng hóa khi xếp hàng xong, và ban hành quy chế, xử lý vi phạm đối với cá nhân, đơn vị trực thuộc nếu vi phạm về xếp hàng vượt trọng tải...

Ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: "Chúng ta cần tiến tới trách nhiệm ràng buộc lẫn nhau nữa, để kiểm tra, giám sát và xử lý. Chúng ta phải biết được chủ phương tiện nào thường xuyên vi phạm, biết được khu vực nào, tuyến đường nào của các chốt giao thông, hoặc lực lượng thanh tra giao thông để xe quá khổ quá tải lưu thông. Tại sao ở các bến hàng, bốc dỡ hàng hoá đúng rồi mà xe quá khổ quá tải vẫn lưu thông được. Như vậy, lực lượng kiểm tra đã để sót ở khâu nào? Đó là số liệu mà chúng ta cần biết được để có thể giám sát lẫn nhau".
Ngọc Luân

Đặt đá tảng bẫy ôtô trên đường đèo Sa Pa

Ủy ban ATGT Quốc gia vừa yêu cầu lãnh đạo tỉnh Lào Cai có biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm những người đặt đá tảng ngang mặt đường quốc lộ 4D từ Lào Cai đi Sa Pa.

Theo phản ánh của một số người tham gia giao thông, gần đây có tình trạng đá tảng được đặt như giăng bẫy phương tiện trên quốc lộ 4D từ Lào Cai đi Sa Pa. Nếu xe chạy nhanh mà đụng phải thì có thể bị lật và lao xuống vực gần đó.
Đặt đá tảng bẫy ôtô trên đường đèo Sa Pa
Đá tảng đặt trên mặt đường quốc lộ 4D được camera giám sát hành trình của ôtô ghi lại. Ảnh: Otofun.

Để ngăn chặn những hành vi tương tự, ngăn ngừa tai nạn giao thông, ngày 20/12, Phó chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng đã đề nghị Chủ tịch UBND kiêm Trưởng Ban An toàn giao thông tỉnh Lào Cai chỉ đạo lực lượng khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm những người đặt đá trên quốc lộ 4D; đồng thời tăng cường tuần tra kiểm soát bảo đảm an toàn giao thông và an toàn xã hội trên tuyến đường.

Sở Giao thông Vận tải Lào Cai được giao tăng cường kiểm tra, tuần đường khẩn trương phát hiện và khắc phục ngay những hiện tượng mất an toàn giao thông của kết cấu hạ tầng trên quốc lộ 4D.

Quốc lộ 4D đoạn Sa Pa là nơi xe khách Sao Việt đã lao xuống vực khiến 12 nạn nhân tử vong ngày 2/9.
Đoàn Loan

Thiếu xe, DN lại kiến nghị cho nâng tải trọng xe container

Các hiệp hội vận tải tiếp tục kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho nâng tải trọng đối với xe container loại 2 trục và 3 trục để đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa tăng cao vào dịp cuối năm.

Tại hội nghị doanh nghiệp vận tải với an toàn giao thông diễn ra hôm nay 9-12 tại TPHCM, ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hải Phòng, kiến nghị Bộ GTVT cho phép nâng khối lượng toàn bộ của xe container kéo theo rơmooc 2 trục lên 33 tấn và xe kéo theo rơmooc 3 trục lên 38 tấn.
Thiếu xe, DN lại kiến nghị cho nâng tải trọng xe container
Theo các doanh nghiệp vận tải việc cải tạo rơmooc để nâng tải trọng như hướng dẫn của Bộ GTVT rất tốn kém trong khi hiệu quả không đáng kể.

Đồng thời, khối lượng này phải được ghi vào trong giấy đăng kiểm để doanh nghiệp có căn cứ thực hiện. Ngoài ra, hiệp hội này cũng kiến nghị điều chỉnh sức kéo của đầu kéo theo đúng thiết kế của nhà sản xuất, vì hiện nay một số đầu kéo chỉ được kéo với trọng lượng thấp hơn thiết kế.

Theo Hiệp hội vận tải hàng hóa Hải Phòng, thời điểm này đang là mùa cuối năm lượng hàng hóa về nhiều để phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán, việc cho nâng tải trọng sẽ giải quyết tình trạng thiếu xe và ùn tắc hàng hoá hiện nay.

Về những kiến nghị của doanh nghiệp ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, cho rằng Bộ GTVT đã cho phép cải tạo kỹ thuật đối với hơn 7.000 rơmooc để nâng tải trọng, tuy nhiên đến nay số lượng doanh nghiệp cải tạo rất ít. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp bị thiếu xe.

Trao đổi thêm với TBKTSG Online, một doanh nghiệp vận tải tại TPHCM cho biết, việc cải tạo rơmooc để tăng tải trọng bằng cách điều chỉnh vị trí chốt kéo như hướng dẫn của Bộ GTVT là rất tốn kém trong khi tải trọng nâng lên không đáng kể.
Cụ thể, doanh nghiệp này cho biết để cải tạo rơmooc theo tải trọng của Bộ GTVT thì mỗi rơmooc tốn 16 triệu đồng trong khi tải trọng nâng lên khá ít, hiệu quả đạt được không cao; chính vì vậy ít doanh nghiệp cải tạo rơmooct.

Tại hội nghị, ông Đinh Nam Dinh, Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa TPHCM, cũng nói thêm: "Việc chấm dứt xe chở quá tải vào năm 2015 như kế hoạch của Bộ GTVT là không khả thi. Hiện nay, việc ký cam kết không chở quá tải cũng chỉ là trên giấy". Ông Dinh đặt vấn đề, tại sao không đưa vào luật để xử lý?

Bộ GTVT chưa có kết luận chính thức về Uber

Trả lời báo chí bên lề hội nghị DN vận tải với an toàn giao thông, đại diện Bộ GTVT cho biết, bộ đã nhận được kiến nghị của Hiệp hội taxi TPHCM về việc tạm dừng hoạt động của Uber.

Hiện tại, Bộ GTVT đang nghiên cứu các biện pháp quản lý cho phù hợp đối với loại hình này. Đồng thời, Bộ GTVT cũng sẽ làm việc với Uber để làm rõ các vấn đề pháp lý có liên quan.

Bộ GTVT kiểm tra tiến độ dự án nhà ga hành khách – Cảng hàng không Vinh

Sáng ngày 28/11/2014, đoàn công tác của Bộ Giao thông vận tải do Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường chủ trì đã có buổi làm việc và kiểm tra tiến độ thi công xây dựng nhà ga hành khách - Cảng hàng không Vinh.

Tham dự buổi làm việc, về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Nguyễn Xuân Đường – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Huỳnh Thanh Điền – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải và UBND thành phố Vinh.

Bộ GTVT kiểm tra tiến độ dự án nhà ga hành khách – Cảng hàng không Vinh

Đồng chí Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, đại diện Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), chủ đầu tư dự án tại Cảng hàng không Vinh đã báo cáo chi tiết tiến độ thi công dự án.

Đến nay, khối lượng thi công đã thực hiện được khoảng 90% giá trị hợp đồng. Các nhà thầu đang thực hiện công tác hoàn thiện và lắp đặt trang thiết bị để chuẩn bị cho việc vận hành thử. Dự kiến, nhà ga mới sẽ được đưa vào khai thác từ ngày 15/01/2015.

Đáng chú ý là tiến độ thi công các dự án như: đường tầng, nhà ga và sân đỗ máy bay triển khai nhanh, rút ngắn được 1 tháng so với kế hoạch ban đầu, đảm bảo chất lượng theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt, đảm bảo an toàn lao động và vệ sinh môi trường.

Bộ GTVT kiểm tra tiến độ dự án nhà ga hành khách – Cảng hàng không VinhCông trường Dự án nhà ga hành khách - Cảng hàng không Vinh

Sau khi nghe báo cáo và kiểm tra thực tế tại công trường, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường đã đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm, sự nỗ lực của chủ đầu tư - Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và các nhà thầu thi công dự án.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường yêu cầu, thời gian tới, Ban Quản lý dự án tiếp tục chỉ đạo các nhà thầu tập trung thi công để đảm bảo đúng tiến độ đề ra. Thứ trưởng đề nghị UBND tỉnh Nghệ An quan tâm chỉ đạo, thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng để đơn vị thi công nhanh chóng triển khai hệ thống đường gom dân sinh và tường rào phía tây nhà ga mới.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cũng yêu cầu Cảng hàng không Vinh khẩn trương hoàn thành hồ sơ, làm thủ tục cấp phép hoạt động cho nhà ga mới kịp thời.

Tin, ảnh: Phan Đăng Bảo Quang