Thứ Tư, 10 tháng 9, 2014

Cam kết thực hiện quy định về trọng tải của xe ô tô trên đường bộ

Chiều ngày 8/9, Công an tỉnh Quảng Bình tổ chức Hội nghị họp bàn và đối thoại với các Doanh nghiệp vận tải nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong thực hiện các giải pháp chống xe quá tải, quá khổ.
Trung tá Bùi Quang Thanh, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Bình cho hay, Quảng Bình đang trong giai đoạn thực hiện Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1A nên số lượng xe ô tô, xe tải có kết cấu tự đỗ và các loại xe máy công trình để phục vụ dự án tăng cao.Việc thi công nâng cấp trên các tuyến đường kéo dài, nhiều đoạn đường bị xuống cấp cộng với tình trạng xe quá tải trọng diễn ra rất phức tạp và có chiều hướng gia tăng.
Lực lượng chức năng xử lý xe quá tải trọng cho phép lưu thông trên đường bộ
Trong tổng số xe được kiểm tra thì có đến 50% số lượng xe vi phạm chở hàng hóa quá tải trọng cho phép. Có những trường hợp chở hàng quá trọng tải từ 100% đến 400%. Một số doanh nghiệp kinh doanh vận tải còn tự ý cơi nới thùng xe để phục vụ việc chở hàng quá tải, nhiều xe khi nhập về, thành ben chỉ cao 60cm nhưng đã được chủ xe tự ý cải tạo thùng ben cao lên đến 1m80.
Hầu hết các doanh nghiệp đồng tình với quan điểm phải xử lý nghiêm đối với những xe tự ý cơi nới, thay đổi kích thước. Đối với những xe rơi vào trường hợp quá tải là những xe được nhập về từ trước ngày 9/ 8/2012 thì chưa xử lý ngay mà cần phải có lộ trình.
Ông Nguyễn Sơn Hải, tổng Giám đốc Tập đoàn Sơn Hải cho biết: "Trước ngày 9/8/2012, nhà nước cho phép nhập về các loại xe có tải trọng cao thì nay, những loại xe ấy nếu lưu thông trên đường bộ lại bị xếp vào loại xe vượt quá tải trọng cho phép, mặc dù chủ doanh nghiệp không cơi nới thùng xe. Để không vi phạm, chủ doanh nghiệp buộc phải chở ít hàng so với trọng tải cho phép của xe. Và cuối cùng, người tiêu dùng phải chịu thiệt thòi khi các chủ doanh nghiệp tăng cước phí xe".
Đây cũng là ý kiến khiến ông Lê Quốc Cường, PGĐ Sở GTVT tỉnh Quảng Bình. Ông Cường trăn trở: "Việc này làm cho các doanh nghiệp vận tải mâu thuẫn với nhau. Những doanh nghiệp chấp hành chở đúng tải trọng quy định thì giá thành cao; ngược lại, những đơn vị không chấp hành thì giá thành lại thấp hơn".
Tiếp nhận ý kiến của các chủ doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh Quảng Bình cũng như các đơn vị quản lý nhà nước về GTVT và các đơn vị kiểm soát giao thông, Thiếu tướng Từ Hồng Sơn, Giám đốc CA tỉnh Quảng Bình chia sẻ: "Cần phải xem xét lại những bất cập trong quá trình xử lý xe quá khổ, quá tải. Việc thực hiện phải tạo được sự đồng thuận giữa các cơ quan chức năng với chủ doanh nghiệp vận tải, góp phần cùng lực lượng Công an làm giảm tai nạn giao thông, đảm bảo kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ".
Đại diện các doanh nghiệp vận tải ký cam kết
Cũng trong chiều qua, CA tỉnh Quảng Bình đã tổ chức ký cam kết thực hiện các quy định về trọng tải của xe ô tô khi tham gia gia thông trên đường bộ.
NGÔ HUYỀN

Thứ Ba, 9 tháng 9, 2014

Xây dựng đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến Sa Pa

Bộ trưởng Bộ GTVT đã ký văn bản gửi UBND tỉnh Lào Cai về việc đầu tư xây dựng đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến Sa Pa theo hình thức BOT.
Theo đó, tuyến đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến Sa Pa là một trong những tuyến đường có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Lào Cai nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung. Tuy nhiên, đây là tuyến đường tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.
Xây dựng đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến Sa Pa
Trên cơ sở đề xuất của UBND tỉnh Lào Cai và ý kiến tham gia của các Bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án xây dựng tuyến đường nối đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến Sa Pa và nâng cấp Quốc lộ 4D đoạn Km103-Km137 hiện hữu theo hình thức Hợp đồng BOT và giao cho UBND tỉnh Lào Cai là Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Để từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông vận tải nhằm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và đặc biệt là đảm bảo an toàn giao thông cho các phương tiện trên tuyến đường nối Lào Cai đến Sa Pa, Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND tỉnh Lào Cai chỉ đạo Sở Giao thông vận tải, các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương hoàn thiện Dự án đầu tư gửi Bộ Giao thông vận tải có ý kiến về Thiết kế cơ sở trước khi phê duyệt dự án, kêu gọi đầu tư, sớm khởi công Dự án.

TP.HCM quyết tìm lại uy tín cho xe buýt

Sau kết quả khảo sát chỉ số hài lòng xe buýt giảm 19,5% so với năm 2008, TP.HCM đã đưa ra nhiều biện pháp khắc phục để lấy lại uy tín.
TP.HCM quyết "tìm lại uy tín" cho xe buýt
Chỉ số hài lòng về dịch vụ vận tải hành khách công cộng xe buýt tại TP.HCM giảm 19,5% so với năm 2008
* Mở 2 tuyến xe buýt tại huyện Cần Giờ
Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM vừa yêu cầu Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng thường xuyên theo dõi biến động của hành khách theo giờ trên từng tuyến xe buýt để điều chỉnh biểu đồ chạy xe cho phù hợp với nhu cầu khách đi lại, đặc biệt là vào giờ cao điểm.
Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi qua thiết bị giám sát hành trình để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm liên quan đến an toàn giao thông.
Ngoài ra, Sở GTVT TP cũng đề nghị các doanh nghiệp vận tải thường xuyên nhắc nhở đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ trên xe buýt, kiểm tra và xử phạt nghiêm theo nội quy các trường hợp lái xe buýt chạy phóng nhanh, vượt ẩu, dừng đón trả khách không đúng quy định (xa lề), bỏ trạm không đón khách.
Trước đó, UBND TP.HCM công bố kết quả khảo sát chỉ số hài lòng của tổ chức và công dân về dịch vụ công năm 2013. Trong đó chỉ số hài lòng về dịch vụ vận tải hành khách công cộng xe buýt giảm 19,5% so với năm 2008.
* Sở GTVT TP.HCM vừa thống nhất chủ trương mở hai tuyến xe buýt trên địa bàn H. Cần Giờ gồm tuyến An Thới Đông - Tam Thôn Hiệp và tuyến Lý Nhơn - An Nghĩa nhằm phục vụ việc đi lại của người dân và học sinh trên địa bàn, theo đề xuất của Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng.
Trước đó, hai tuyến xe buýt không trợ giá gồm tuyến An Thới Đông - Tam Thôn Hiệp (mã số 63) và tuyến Lý Nhơn - An Nghĩa (mã số 125) đã ngưng hoạt động trong năm 2013 do không hiệu quả.
MẬU TRƯỜNG

Thứ Bảy, 6 tháng 9, 2014

Đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực vận tải biển

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực vận tải biển, đặc biệt là thủ tục hành chính tại các cảng biển và thủ tục đăng ký tàu biển; nhanh chóng triển khai ứng dụng đồng bộ công nghệ thông tin trong hoạt động hàng hải như cảng vụ điện tử, hải quan điện tử, thực hiện chính sách một cửa để tạo điều kiện thuận lợi cho tàu, thuyền ra vào cảng biển.
Đây là một trong những giải pháp trọng tâm để thực hiện quy hoạch vận tải biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 vừa được Thủ tướng phê duyệt
Đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực vận tải biển
Theo quy hoạch, tổng khối lượng vận tải biển của đội tàu biển Việt Nam đến năm 2020 đạt khoảng từ 140 đến 152 triệu tấn, trong đó vận tải biển quốc tế đạt khoảng từ 40 đến 46 triệu tấn; tổng trọng tải đội tàu hàng vận tải biển Việt Nam đạt khoảng từ 6,84 đến 7,52 triệu tấn (DWT); nhu cầu bổ sung đội tàu khoảng từ 1,38 đến 2,12 triệu tấn; nhu cầu bổ sung sức chở đội tàu khách du lịch, tàu khách ven biển ra đảo khoảng 14.000 ghế ngồi. Tổng kinh phí cho phát triển đội tàu nói trên khoảng từ 20.000 đến 30.000 tỷ đồng, chủ yếu do các doanh nghiệp tự huy động từ các nguồn vốn hợp pháp. Quy hoạch cũng nêu rõ, đến năm 2020 cần đào tạo và bồi dưỡng đạt khoảng 42.000 sĩ quan, thuyền viên.
THÙY LÂM

Thứ Năm, 4 tháng 9, 2014

Hà Nội: Phát hiện 8 xe tải chở đồ chơi nguy hiểm

Cơ quan chức năng vừa phát hiện một lượng lớn vải may mặc, linh kiện môtô và nhiều loại đồ chơi nguy hiểm không rõ nguồn gốc đang trên đường đến Hà Nội.
Hà Nội: Phát hiện 8 xe tải chở đồ chơi nguy hiểm
Phát hiện nhiều mặt hàng Trung Quốc nhập lậu không rõ nguồn gốc
Theo thông tin ban đầu, vào ngày 1/9, Tổng cục Hải quan Việt Nam cùng một số đơn vị chức năng khác đã kiểm tra, phát hiện ra 8 xe chở theo một lượng hàng hóa, đồ chơi Trung Quốc được nhập lậu qua biên giới phía Bắc để về thủ đô tiêu thụ trong dịp Tết trung thu này.
Qua kiểm tra thì phát hiện một lượng lớn các mặt hàng như: vải, mỹ phẩm, đồ điện gia dụng, phụ tùng môtô, hàng điện tử.... Đặc biệt có lượng lớn trứng gà và đồ chơi trẻ em. Trong các thùng hàng có loại súng đồ chơi như thật được nhận định có tính sát thương cao.
Mùa trung thu đang đến gần, lợi dụng vào dịp này, các đối tượng đã nhập lậu hàng hóa, đồ chơi Trung Quốc nguy hiểm để tiêu thụ. Nếu lượng hàng trên về thủ đô trót lọt sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hiểm cho người lớn và trẻ em sử dụng những mặt hàng trên.
Lái xe và chủ hàng không xuất trình được hoá đơn chứng từ hợp pháp. Cơ quan chức năng cho biết, tuy chưa kiểm đếm xong, nhưng lô hàng trên có trị giá hàng chục tỷ đồng. Tất cả lô hàng đều xuất xứ từ Trung Quốc, được nhập lậu qua khu vực biên giới phía bắc.
Cơ quan chức năng đang tiến hàng kiểm kê và điều tra thêm về số hàng không rõ nguồn gốc.
Trước đó, ngày 6/8, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý Kinh tế và Chức vụ (PC46) Công an Thành phố Hà Nội đã phối hợp với đội CSĐT tội phạm Kinh tế - Công an quận Hoàn Kiếm và Công an phường Đồng Xuân tiến hành kiểm tra và bắt giữ hơn 3.000 sản phẩm đồ chơi trẻ em, và gần 800 đôi giày không rõ nguồn gốc.
Tết Trung thu đang cận kệ, nhu cầu mua sắm đồ chơi, hàng hóa cho trẻ em càng tăng cao. Lợi dụng vào đó mà nhiều đối tượng hám lợi đã nhập lậu những mặt hàng trẻ em nguy hiểm, không rõ nguồn gốc xuất xứ, tiềm ẩn nhiều rủi ro cao khi sử dụng. Các cơ quan chức năng cần có những biện pháp mạnh tay hơn đối với những đối tượng này để đảm bảo một mùa trung thu an toàn, lành mạnh.
Xuân Nghĩa

Ban Quản lý dự án đường sắt sẽ trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải

Chiều 28/8, Bộ Giao thông Vận tải đã công bố Quyết định số 3247/QĐ-BGiao thông Vận tải của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng về việc chuyển nguyên trạng Ban Quản lý dự án đường sắt thuộc Cục Đường sắt Việt Nam về trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải.
Theo đó, chuyển toàn bộ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tài chính, tài sản, hồ sơ, tài liệu, nhân sự, lao động, nghĩa vụ pháp lý... của Ban Quản lý dự án đường sắt thuộc Cục Đường sắt Việt Nam về trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải kể từ ngày 1/9/2014.
Ban Quản lý dự án đường sắt sẽ trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải
Tại Quyết định số 3248/QĐ-BGiao thông Vận tải, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt được bổ nhiệm làm quyền Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải.
Phát biểu tại lễ công bố, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, thực hiện chủ trương của Bộ Giao thông Vận tải về việc sắp xếp một số Ban Quản lý dự án thuộc Bộ và thực hiện Đề án đổi mới toàn diện công tác quản lý nhà nước của Cục Đường sắt Việt Nam nhằm hướng tới nâng cao nhiệm vụ của Cục trong quản lý nhà nước về lĩnh vực đường sắt, tập trung xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng quy chế, quản lý nguồn vốn sự nghiệp và nâng cao khả năng quản lý công tác bảo trì, kinh doanh kết cầu hạ tầng đường sắt...
Bên cạnh đó, việc chuyển Ban Quản lý dự án đường sắt về trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải cũng nhằm tăng cường quản lý hiệu quả các dự án đầu tư trong lĩnh vực đường sắt, qua đó thu hút các nguồn vốn đầu tư và nguồn vốn tài trợ, đồng thời nâng cao khả năng quản lý khai thác các dự án sau khi hoàn thành...
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã chuyển 5 dự án do Cục Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư sử dụng vốn ngân sách và vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) về trực tiếp do Bộ Giao thông Vận tải quản lý bao gồm 2 dự án đang triển khai là tuyến đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh-Hà Đông và dự án Yên Viên-Phả Lại-Hạ Long-Cái Lân.
Các dự án đang chuẩn bị đầu tư gồm 3 dự án là Sài Gòn-Lộc Ninh, Biên Hòa-Vũng tàu và tuyến đường sắt vào Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng).
Bộ Giao thông Vận tải cũng chuyển chức năng chủ đầu tư một số dự án đầu tư trong lĩnh vực đường sắt sử dụng vốn ngân sách và vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) từ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về Bộ Giao thông Vận tải quản lý.
Trong số 13 công trình dùng vốn ODA chuyển từ Tổng công ty về Bộ Giao thông Vận tải, có 7 dự án đang thực hiện đầu tư, 6 dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư.

Thứ trưởng GTVT kiểm tra nhà ga, bến xe trước cao điểm 2/9

Dịp 2/9, vận chuyển hành khách đường sắt và đường bộ sẽ "nóng" ở các tuyến cự ly ngắn. Trong khi đó, có gần 150 chuyến bay được tăng cường vì hành khách đổ xô tới các điểm du lịch. Số điện thoại đường dây nóng đảm bảo ATGT cũng đã được công bố.
Chiều qua (27/8), Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ dẫn đầu đoàn công tác của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (ATGT) đi kiểm tra các sân bay, nhà ga đường sắt và bến xe tại Hà Nội khi giao thông vận tải (GTVT) bước vào giai đoạn cao điểm nghỉ lễ 2/9.
Tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đã kiểm tra mọi công tác chuẩn bị phục vụ hành khách đi lại bằng máy bay qua cảng, công tác phục vụ mặt đất, check in tại các quầy của các hãng hàng không.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ lưu ý, do nhu cầu đi lại trong dịp 2/9 tăng cao nên việc ùn tắc tại sân bay hoàn toàn có thể xảy ra, đặc biệt là trong thời gian khai thác bay cao điểm. Vì vậy Thứ trưởng yêu cầu cảng hàng không phải có sự chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng ứng phó giải tỏa hành khách trong mọi tình huống; các hãng hàng không phải đảm bảo đủ phương tiện, hạn chế tối đa những phiền toái đối với hành khách từ việc chậm/hủy chuyến bay.
Thứ trưởng GTVT kiểm tra nhà ga, bến xe trước cao điểm 2/9
Gần 150 chuyến bay được tăng cường trong dịp 2/9
Với Vietnam Airlines, trong thời gian từ ngày 29/8 - 3/9, hãng này sẽ thực hiện tăng thêm 147 chuyến bay trên 9 đường bay trục và du lịch nội địa có nhu cầu cao, bao gồm: Hà Nội/TPHCM - Đà Nẵng/Nha Trang/Đà Lạt/Phú Quốc và Hà Nội - Đồng Hới với tổng số ghế cung ứng của khoảng 106.400 chỗ (bao gồm cả thường lệ và tăng tải), tăng 30% so với thường lệ và 22% so với cùng kỳ 2013. Trong khi đó, VietJet Air và Jetstar Pacific cho biết, các chuyến bay đều đầy khách và đảm bảo khai thác tối đa đội tàu bay đang có trong dịp 2/9 này.
Ở ga Hà Nội, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đã kiểm tra công tác bán vé và lên tàu kiểm tra giường nằm, ghế ngồi cho hành khách cũng như công tác vệ sinh các toa tàu trước và sau khi các đoàn tàu xuất phát, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách đi tàu từ hoạt động "4 xin" và "4 luôn" của nhân viên đường sắt.
Trong quá trình đi kiểm tra, Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu Sở GTVT Hà Nội và ga Hà Nội triển khai ngay việc kẻ vạch sơn trước quảng trường ga để đảm bảo trật tự đi lại và dừng đỗ của các phương tiện giao thông đi/đến từ ga, đồng thời giải tỏa điểm trông giữ xe trước cửa ga Hà Nội để tạo không gian thông thoáng và giúp người dân đi lại dễ dàng.
Theo ga Hà Nội, từ 30/8 -2/9, nhu cầu đi lại của hành khách tăng cao, dự kiến tăng khoảng từ 8 - 10% so với dịp này năm 2013. Lượng khách tập trung đông nhất vào tối 29/8 (tàu đi) và sáng ngày mùng 2, mùng 3/9 (tàu về), chủ yếu là khách đi đường ngắn (Hà Nội - Vinh, Hà Nội - Đồng Hới, Hà Nội - Lào Cai).
Thứ trưởng GTVT kiểm tra nhà ga, bến xe trước cao điểm 2/9
Thứ trưởng Lê Đình Thọ (bên phải) kiểm tra công tác bán vé tàu tại ga Hà Nội
Lịch trình các tàu lập thêm để tăng cường trong dịp 2/9 cụ thể như sau: Tàu đi - ngày 28/8, tàu NA7 (23h15) từ Hà Nội đến Vinh. Ngày 29/8, tàu QB1 (20h35) từ Hà Nội đến Đồng Hới, tàu NA7 (23h15) và tàu NA9 (23h35) từ Hà Nội đến Vinh, tàu SP5 (19h00) và tàu SP9 (22h45) từ Hà Nội đến Lào Cai. Ngày 30/8, tàu SP9 (22h45) từ Hà Nội đến Lào Cai, tàu NA7 (23h15) từ Hà Nội đến Vinh.
Tàu về: Ngày 1/9, tàu QB2 (16h40) từ Đồng Hới về Hà Nội, tàu NA8 (20h25) từ Vinh về Hà Nội, tàu SP6 (20h55) và tàu SP10 (21h30) từ Lào Cai về Hà Nội. Ngày 2/9: Tàu NA6 (21h10), tàu NA8 (20h25) và tàu NA12 (11h25) từ Vinh về Hà Nội; tàu SP6 (20h55) từ Lào Cai về Hà Nội; Tàu LP10 (16h05) từ Hải Phòng về Hà Nội;
Cũng theo ga Hà Nội, từ ngày 29/8 - 3/9, ga này không áp dụng giảm giá vé cho hành khách mua vé tập thể, vé bán cho các đối tượng chính sách xã hội vẫn được áp dụng theo quy định hiện hành.
Đối với GTVT đường bộ, Thứ trưởng Lê Đình Thọ lưu ý đặc biệt các bến xe không được để hành khách thiếu phương tiện về quê nghỉ lễ, không được để xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài tại các cửa ngõ Thủ đổ trong giai đoạn cao điểm giải tỏa hành khách, không để xảy ra tình trạng tăng giá vé, cò kéo làm khó dễ cho hành khách đi xe.
Theo ông Nguyễn Tùng Anh - Giám đốc Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội, hiện tại các đơn vị kinh doanh vận tải đã có các phương án phục vụ hành khách, dự kiến hành khách sẽ tập trung đông vào chiều 29/8 và ngày 30/8. Công ty đã có kế hoạch bố trí tăng cường 190 chuyến xe đồng thời phối hợp với các đơn vị đưa đủ số phương tiện và Tổng Công ty Vận tải Hà Nội để tổ chức điều động phương tiện hoạt động theo biểu đồ hàng ngày và dự phòng một số phương tiện nhằm giải tỏa khách trong ngày cao điểm.
Thứ trưởng GTVT kiểm tra nhà ga, bến xe trước cao điểm 2/9
Vận tải hành khách bằng ô tô sẽ "nóng" trên tuyến có cự ly ngắn
Các tuyến vận tải hành khách có cự ly ngắn sẽ "nóng" trong dịp này. Cụ thể, bến xe phía Nam (Giáp Bát) sẽ tăng cường 75 xe tập trung ở các tuyến như Thanh Hoá, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình; bến xe Mỹ Đình tăng cường 70 xe tập trung ở tuyến Quảng Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Phú Thọ; bến xe Gia Lâm dự kiến sẽ tập trung hành khách trên các tuyến đi Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên,...
Để đảm bảo an toàn và thuận tiện cho hành khách, cũng như ngăn chặn tình trạng lợi dụng dịp nghỉ lễ để tăng giá vé, ông Tùng Anh khẳng định đã chỉ đạo các bến xe không để xảy ra hiện tượng lôi kéo, tranh giành khách, ép giá, ép khách xảy ra trong sân và ngoài quảng trường. Kiên quyết không cho xuất bến đối với các xe không đủ tiêu chuẩn chất lượng, chở quá tải. Trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.
Bộ GTVT đã công bố các số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận các thông tin phản ánh về trật tự ATGT trong dịp 2/9, bao gồm: 0903232654 - 0989088719 - 0912379753. Ngoài ra, Ban ATGT các tỉnh/thành phố trên cả nước cũng có các số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận thông tin liên quan trong dịp này.
Ngày 27/8, ông Phạm Lợi Phó Tổng giám đốc Công ty CP vận tải và quản lý bến xe Đà Nẵng cho biết, nhằm chuẩn bị tốt cho công tác phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách trong dịp lễ 2/9, công ty đã làm việc với các đơn vị vận tải và các cơ quan chức năng triển khai công tác tăng cường các phương tiện phục vụ hành khách, đảm bảo an toàn tuyệt đối, thiết lập trật tự vận tải, chống xe dù, bến cóc...
Thứ trưởng GTVT kiểm tra nhà ga, bến xe trước cao điểm 2/9
Tuy nhiên, mặc dù đợt nghỉ lễ này được nghỉ 4 ngày nhưng nhu cầu đi lại của người dân không tăng đột biến.
Theo ông Lợi, những dịp lễ, tết nhu cầu đi lại chủ yếu là sinh viên và những người đi làm xa quê. Tuy nhiên, dịp này, hầu như sinh viên vừa nghỉ hè trở lại trường nên sẽ không về nữa còn những sinh viên chưa vào thì qua lễ mới vào. Những tuyến Đà Nẵng đi các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi... luôn nhiều xe. Nếu khách tăng thì các đơn vị luôn sẵn sàng có xe để tăng cường và không lo thiếu xe.
Đối với công tác bán vé, công ty CP vận tải và quản lý bến xe Đà Nẵng yêu cầu các đơn vị vận tải hướng dẫn hành khách tận tình, chu đáo, văn minh, lịch sự, bán vé đúng quy định, nghiêm cấm việc bán vé qua trung gian, cò, lái xe hoặc giữ vé, ém vé không bán cho hành khách.

Xe tải trọng lớn... vun vút lao qua trạm cân

Giữa đêm khuya thanh vắng, những chiếc ô tô tải trọng lớn lao vun vút vượt qua trạm cân, phá vỡ một khoảng không gian yên ắng, sương giăng và kéo theo những luồng bụi mù dày đặc... Còn phía sau, các lực lượng đang làm nhiệm vụ "canh gác" không một chút động tĩnh.
Xe tải trọng lớn... vun vút lao qua trạm cân
Những chiếc xe quá tải lao qua trạm cân trong đêm.
Bỗng dưng vắng bóng lực lượng chức năng
Để lập trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động số TC58 - tỉnh Lai Châu, Sở Giao thông Vận tải đã phối hợp với Công an tỉnh tiến hành khảo sát vị trí thuận lợi nhất cho công tác kiểm tra. Theo đó, đã quyết định đặt trạm tại Km 60+400 Quốc lộ 4D, thị trấn Tam Đường, huyện Tam Đường, Lai Châu.
Trạm cân có nhiệm vụ hoạt động liên tục 24/24h hàng ngày, chia thành nhiều ca và được bố trí ít nhất 4 cán bộ/ca. Vị trí hạ tải và lưu giữ hàng cách khu vực trạm khoảng 100m.
22 giờ đêm, chúng tôi có mặt tại vị trí gần trạm cân tải trọng xe lưu động TC58- tỉnh Lai Châu, được biết, bất cứ các phương tiện giao thông nào muốn đến trung tâm thành phố Lai Châu, chở hàng lên biên giới hay đến tỉnh Điện Biên thì đều phải qua tuyến đường này.
Để thuận tiện quan sát, chúng tôi lẩn mình vào những bụi cỏ đối diện trạm cân gần đó. Thời điểm này, những chiếc xe tải đi qua đây vẫn phải dừng lại để kiểm tra tải trọng khi các lực lượng chức năng ra tín hiệu yêu cầu vào cân. Đêm đã về khuya, công việc tại trạm cân dường như cũng "dễ thở" hơn.
Vào lúc 0 giờ, một chiếc xe bán tải nhỏ đang di chuyển thì bất ngờ đỗ cách trạm cân không xa. Chỉ ít phút sau, những lượt xe tải trọng lớn cùng nhau kéo đến... Trong khoảng từ 0 giờ đến thời điểm 2 giờ sáng, hàng chục chiếc xe tải trọng lớn lao qua trạm cân.
Thậm chí có những lượt, hai đến ba xe bám sát nhau, phóng qua cùng lúc. Bằng mắt thường thật dễ có thể biết được đây là những chiếc xe quá tải trọng đã được cơi nới thùng. Các xe chủ yếu mang biển kiểm soát mã vùng tỉnh Sơn La.
Ở trạm cân thời điểm này, điện vẫn sáng, tivi vẫn bật, đèn LED báo hiệu vẫn nhấp nháy, nhưng kỳ lạ là các lực lượng làm nhiệm vụ tại đây "bỗng dưng" vắng bóng không có một ai.
Trước đó, thời điểm 21 giờ đến 22 giờ, tại khu vực ngã ba Bình Lư, cách trạm cân khoảng 2km - nơi giao cắt Quốc lộ 32 với Quốc lộ 4D có rất nhiều xe ô tô tải trọng lớn đỗ thành hàng dài để chờ thời điểm tốt. Đáng chú ý hơn là địa điểm các "bác tài" cùng ngang nhiên dừng đỗ chỉ cách Đội Cảnh sát giao thông Bình Lư vài chục đến trăm mét.
Trong vai những lái xe khách đã giải nghệ, chúng tôi tiếp cận được với một chủ quán bán hàng ăn uống giải khát tại ngã ba Bình Lư. Sau vài câu lân la chào hỏi, chủ quán cho biết, xe tải đỗ đông thế này là do có trạm cân nên đã tìm cách nán lại nơi đây. Nhiều khi họ đỗ không tập trung mà rải rác từng nơi để tránh sự chú ý.
Cũng là quán nước được nhiều lái xe thường ghé qua nên những chuyện bàn tán liên quan đến trạm cân, chị L.T.P - chủ quán đều rõ như ban ngày. Chị cho rằng, từ khi có trạm cân đặt tại đây, xe ô tô tải trọng lớn đỗ nhiều, có lúc còn không có chỗ trên đường cho xe đỗ. Ô tô chủ yếu là xe quá tải, vì thế phải chờ đến đêm, "làm việc" xong mới đi được. Theo chị chủ quán, lái xe thường "làm việc" với trạm cân hoặc "làm việc" thẳng với trạm giao thông ở ngã ba Bình Lư. Chị cũng thật thà, vì đợt này có "cái cân" tải trọng xe nên gia đình mới tranh thủ mở quán nước bán kiếm lời.
Lý giải không thỏa đáng
Ở trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động số TC58 - tỉnh Lai Châu, lực lượng Thanh tra giao thông được bố trí quân số, trong đó có chức danh Trạm phó, còn lực lượng Cảnh sát giao thông là Trạm trưởng. Bất kể ngày hay đêm, các lực lượng này chia thành 6 ca với 4 người/ca; trong một ca trực ở trạm cân, bắt buộc các lực lượng được phân công làm nhiệm vụ đều không được phép vắng mặt. Được biết, từ khi có trạm cân đến nay, chỉ hai lần công việc ở đây bị gián đoạn, nguyên nhân do mưa bão và trục trặc kỹ thuật.
Ông Hoàng Tiến Vinh, Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải Lai Châu khẳng định, mọi người chỉ thấy có hiện tượng xe chở quá tải nhưng còn bản chất vấn đề thì họ lại không nắm được. Theo ông Chánh Thanh tra, một số các phương tiện quá khổ quá tải được phép lưu thông vì có giấy phép chuyên chở như xe trở hàng cứu trợ, xe vật tư phục vụ xây công trình trọng điểm của Lai Châu... Cũng có lúc làm việc, anh em căng thẳng nên đôi khi chợp mắt một lúc, khi đó lái xe lợi dụng để qua trạm.
Lý giải tại sao có lập trạm cân tải trọng xe trên địa bàn nhưng xe quá tải vẫn "tuồn" được lên cửa khẩu Ma Lù Thàng, huyện Phong Thổ, ông Vinh giải thích, nhiều xe hạ tải trước khi qua trạm để tránh cân, sau khi "thoát" thì lại họ tăng bo số hàng đó để xếp lên, nên không quản lý được.
Thực tế, tại những khu vực trước trạm cân, rất nhiều xe tải trọng lớn dừng đỗ. Thậm chí, các tài xế cho xe dừng đỗ trong nhiều ngày liên tục. Đến đêm khuya hoặc điều kiện thuận lợi, những chiếc xe ấy mới nườm nượp lăn bánh. Điều đáng chú ý là sự việc này đang diễn ra và diễn ra một cách ngang nhiên, ai ai cũng biết.
Các lực lượng chức năng cũng nắm được tình hình nhưng lại không có biện pháp nào để ngăn chặn. Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải Lai Châu cho rằng, có lẽ là do tâm lý thích đi đêm của lái xe vì khi đó, thời tiết mát mẻ, đường sá thông thoáng chứ không phải đi đêm để né tránh thanh tra.
Giải thích là vậy, song thực tế ghi nhận cho thấy, những xe tải lớn vẫn ngang nhiên "rồng rắn" nhau chạy qua trạm cân vào lúc ca trực hoạt động bình thường mà không hề bị kiểm tra. Cần làm rõ tại sao nhiều chiếc ô tô quá khổ, quá tải vẫn "lọt" lên được đến cửa khẩu Ma Lù Thàng của huyện biên giới Phong Thổ, phá nát đường giao thông biên giới mà các phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh.