Thứ Ba, 30 tháng 12, 2014

Giá cước vận tải giảm chậm: Đông ý kiến, vắng giải pháp

Giá xăng dầu năm 2014 đã giảm tới 13 lần, nhưng cước vận tải và giá hàng hóa vẫn "bình chân như vại" hoặc giảm không đáng kể. Đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau nhưng giải pháp thực sự còn bỏ ngỏ.
 
Giá cước vận tải giảm chậm: Đông ý kiến, vắng giải pháp
Giá cước vận tải giảm chậm: Đông ý kiến, vắng giải pháp
Cần cơ chế linh hoạt trong xây dựng giá cước vận tải (Ảnh minh họa)

Thị trường hay cơ chế hành chính điều tiết

Xăng dầu là mặt hàng có tác động lớn đến đời sống sinh hoạt và các hoạt động kinh tế, cho nên mọi biến động về giá đều gây ra những phản ứng trái chiều. Trước đây, mỗi lần xăng tăng giá, cước vận tải và giá các mặt hàng hóa đều tăng.

Trong khi tính đến ngày 22/12, giá xăng đã có 13 lần giảm giá, tương đương 26% so với cuối năm 2013, thế nhưng giá cước vận tải mới giảm duy nhất một lần với tỷ lệ thấp dưới 10%. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến túi tiền của người tiêu dùng và hoạt động kinh tế hàng hóa.

Trước thực tế như vậy, hiện có hai luồng ý kiến khác nhau: Đại diện cho cơ quan quản lý và người tiêu dùng thì cho rằng, phải can thiệp bằng các biện pháp hành chính theo Luật Giá và các quy định khác. Ngược lại, một số chuyên gia và DN vận tải lại cho rằng, biện pháp hành chính khó khả thi và phi thị trường.

Ông Bùi Danh Liên- Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội - tuy đồng tình với cả hai ý kiến nêu trên nhưng cũng đưa ra quan điểm: Cơ chế thị trường cạnh tranh, nhà nước không hỗ trợ DN vận tải thì không thể yêu cầu DN có nghĩa vụ bình ổn thị trường.

Nếu nhà nước có dự trữ tốt, duy trì một mức giá xăng dầu thì mới giữ giá cước ổn định. Trong những lần tăng giá vừa qua, chỉ một số hãng lớn có thương hiệu mới tăng còn nhiều hãng nhỏ giữ nguyên giá.

Một số ý kiến cho rằng, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu dù tiến tới cơ chế thị trường thì vẫn phải có sự điều tiết của nhà nước. Do đó, cần có cơ chế linh hoạt trong xây dựng chính sách giá cước vận tải.

Giải pháp vẫn bỏ ngỏ

Theo ông Liên, xu hướng chung là DN vận tải đều chấp nhận sự điều tiết của thị trường và vì lợi ích chung của toàn xã hội, mặc dù xét về quyền lợi thì họ không muốn. "Do đó thời gian tới, chắc chắn giá cước vận tải sẽ giảm vì nếu không giảm thì DN không thể cạnh tranh.

Một lý do khác là thị trường vận tải Việt Nam từ trước tới nay đều cạnh tranh bằng giá chứ không phải bằng chất lượng dịch vụ"- ông Liên khẳng định.

Liên quan đến câu hỏi, liệu có ngụy biện không khi một số DN cho rằng: Giá cước giảm chậm là do thủ tục hành chính phức tạp? Ông Liên khẳng định: Sự thật đúng như vậy, vì theo quy trình muốn điều chỉnh tăng, giảm cước phải được 3 cơ quan gồm tài chính, thuế, giao thông vận tải thẩm định, tức là mất khoảng 3 - 4 tuần.

Rồi phải kiểm đếm, thu hồi, hủy vé, in phát hành vé mới, đăng ký kê khai thuế, thủ tục với bến xe, kiểm định đồng hồ... Chỉ riêng taxi tại Hà Nội đã lên tới trên 17.000 xe, một số hãng lớn được phép kiểm định đồng hồ còn phải kiểm định nhà nước.

Như vậy, nếu tính cả 5 lần điều chỉnh tăng thì giá xăng năm 2014 có tới 18 lần điều chỉnh, về mặt lý thuyết có nghĩa giá cước vận tải cũng phải có 18 lần điều chỉnh- nếu vậy thì khó có thể khả thi!

Các chuyên gia nhìn nhận, cần có cơ chế linh hoạt trong xây dựng chính sách giá cước vận tải. Nghĩa là quy định mức giảm sàn và linh hoạt mức tăng trần, đồng thời thủ tục hành chính đăng ký điều chỉnh giá cước phải tiện lợi, nhanh chóng, tránh phiền hà cho DN.
Ví dụ, giá xăng dầu tăng 5% thì DN vận tải có thể tăng giá cước tối đa tương ứng, hoặc vì lý do cạnh tranh họ có thể giữ nguyên hoặc tăng dưới 5%, nhưng khi giá xăng dầu giảm 5% thì bắt buộc DN phải giảm 5% so với chi phí đầu vào là xăng.
Theo Báo Công Thương

TP HCM thu hơn 26 tỷ đồng tiền phạt xe quá tải, dồn tải

Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng thành phố đã kiểm tra hơn 22.400 lượt xe, phát hiện và xử lý gần 6.000 trường hợp vi phạm quá tải.

Chiều 23/12, Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Tổng cục đường bộ Việt Nam tổ chức hội nghị Ký cam kết không xếp hàng lên phương tiện vượt quá tải trọng cho phép tham gia giao thông. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các ban ngành liên quan và doanh nghiệp vận tải.

TP HCM thu hơn 26 tỷ đồng tiền phạt xe quá tải, dồn tải

Xe nối đuôi nhau chờ nâng, hạ tải trên đường Lê Phụng Hiểu - đối diện cổng cảng Cát Lái
Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng thành phố đã kiểm tra hơn 22.400 lượt xe, phát hiện và xử lý gần 6.000 trường hợp vi phạm quá tải, chiếm khoảng 27%, phạt thu trên 26 tỷ đồng. Với trường hợp xe dồn tải, lực lượng liên ngành đã lập biên bản 61 trường hợp vi phạm và số tiền phạt hơn 300 triệu đồng.

Đại biểu dự hội nghị cho rằng, để xử lý triệt để tình trạng xe quá tải, ngoài triển khai các trạm cân lưu động thì ngăn chặn xếp hàng quá tải ngay từ gốc là giải pháp quan trọng, góp phần chấm dứt tình trạng xe quá tải hoạt động.

Đại diện các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa trên địa bàn thành phố cũng đã ký cam kết không xếp hàng lên phương tiện vượt tải trọng cho phép.

Nội dung bản cam kết nêu rõ: các đơn vị thực hiện nghiêm chỉnh việc xếp hàng hóa trên phương tiện theo đúng quy định khi tham gia giao thông trên đường bộ. Trong đó kiên quyết không xếp hàng vượt quá tải trọng; lập sổ sách theo dõi dữ liệu của phương tiện và khối lượng hàng hóa vận chuyển khi ra, vào nhà máy, mỏ; thực hiện ký xác nhận khối lượng hàng hóa xếp lên phương tiện vào Giấy vận tải hoặc các chứng nhận có liên quan đến vận tải hàng hóa khi xếp hàng xong, và ban hành quy chế, xử lý vi phạm đối với cá nhân, đơn vị trực thuộc nếu vi phạm về xếp hàng vượt trọng tải...

Ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: "Chúng ta cần tiến tới trách nhiệm ràng buộc lẫn nhau nữa, để kiểm tra, giám sát và xử lý. Chúng ta phải biết được chủ phương tiện nào thường xuyên vi phạm, biết được khu vực nào, tuyến đường nào của các chốt giao thông, hoặc lực lượng thanh tra giao thông để xe quá khổ quá tải lưu thông. Tại sao ở các bến hàng, bốc dỡ hàng hoá đúng rồi mà xe quá khổ quá tải vẫn lưu thông được. Như vậy, lực lượng kiểm tra đã để sót ở khâu nào? Đó là số liệu mà chúng ta cần biết được để có thể giám sát lẫn nhau".
Ngọc Luân

Đặt đá tảng bẫy ôtô trên đường đèo Sa Pa

Ủy ban ATGT Quốc gia vừa yêu cầu lãnh đạo tỉnh Lào Cai có biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm những người đặt đá tảng ngang mặt đường quốc lộ 4D từ Lào Cai đi Sa Pa.

Theo phản ánh của một số người tham gia giao thông, gần đây có tình trạng đá tảng được đặt như giăng bẫy phương tiện trên quốc lộ 4D từ Lào Cai đi Sa Pa. Nếu xe chạy nhanh mà đụng phải thì có thể bị lật và lao xuống vực gần đó.
Đặt đá tảng bẫy ôtô trên đường đèo Sa Pa
Đá tảng đặt trên mặt đường quốc lộ 4D được camera giám sát hành trình của ôtô ghi lại. Ảnh: Otofun.

Để ngăn chặn những hành vi tương tự, ngăn ngừa tai nạn giao thông, ngày 20/12, Phó chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng đã đề nghị Chủ tịch UBND kiêm Trưởng Ban An toàn giao thông tỉnh Lào Cai chỉ đạo lực lượng khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm những người đặt đá trên quốc lộ 4D; đồng thời tăng cường tuần tra kiểm soát bảo đảm an toàn giao thông và an toàn xã hội trên tuyến đường.

Sở Giao thông Vận tải Lào Cai được giao tăng cường kiểm tra, tuần đường khẩn trương phát hiện và khắc phục ngay những hiện tượng mất an toàn giao thông của kết cấu hạ tầng trên quốc lộ 4D.

Quốc lộ 4D đoạn Sa Pa là nơi xe khách Sao Việt đã lao xuống vực khiến 12 nạn nhân tử vong ngày 2/9.
Đoàn Loan

Thiếu xe, DN lại kiến nghị cho nâng tải trọng xe container

Các hiệp hội vận tải tiếp tục kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho nâng tải trọng đối với xe container loại 2 trục và 3 trục để đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa tăng cao vào dịp cuối năm.

Tại hội nghị doanh nghiệp vận tải với an toàn giao thông diễn ra hôm nay 9-12 tại TPHCM, ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hải Phòng, kiến nghị Bộ GTVT cho phép nâng khối lượng toàn bộ của xe container kéo theo rơmooc 2 trục lên 33 tấn và xe kéo theo rơmooc 3 trục lên 38 tấn.
Thiếu xe, DN lại kiến nghị cho nâng tải trọng xe container
Theo các doanh nghiệp vận tải việc cải tạo rơmooc để nâng tải trọng như hướng dẫn của Bộ GTVT rất tốn kém trong khi hiệu quả không đáng kể.

Đồng thời, khối lượng này phải được ghi vào trong giấy đăng kiểm để doanh nghiệp có căn cứ thực hiện. Ngoài ra, hiệp hội này cũng kiến nghị điều chỉnh sức kéo của đầu kéo theo đúng thiết kế của nhà sản xuất, vì hiện nay một số đầu kéo chỉ được kéo với trọng lượng thấp hơn thiết kế.

Theo Hiệp hội vận tải hàng hóa Hải Phòng, thời điểm này đang là mùa cuối năm lượng hàng hóa về nhiều để phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán, việc cho nâng tải trọng sẽ giải quyết tình trạng thiếu xe và ùn tắc hàng hoá hiện nay.

Về những kiến nghị của doanh nghiệp ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, cho rằng Bộ GTVT đã cho phép cải tạo kỹ thuật đối với hơn 7.000 rơmooc để nâng tải trọng, tuy nhiên đến nay số lượng doanh nghiệp cải tạo rất ít. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp bị thiếu xe.

Trao đổi thêm với TBKTSG Online, một doanh nghiệp vận tải tại TPHCM cho biết, việc cải tạo rơmooc để tăng tải trọng bằng cách điều chỉnh vị trí chốt kéo như hướng dẫn của Bộ GTVT là rất tốn kém trong khi tải trọng nâng lên không đáng kể.
Cụ thể, doanh nghiệp này cho biết để cải tạo rơmooc theo tải trọng của Bộ GTVT thì mỗi rơmooc tốn 16 triệu đồng trong khi tải trọng nâng lên khá ít, hiệu quả đạt được không cao; chính vì vậy ít doanh nghiệp cải tạo rơmooct.

Tại hội nghị, ông Đinh Nam Dinh, Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa TPHCM, cũng nói thêm: "Việc chấm dứt xe chở quá tải vào năm 2015 như kế hoạch của Bộ GTVT là không khả thi. Hiện nay, việc ký cam kết không chở quá tải cũng chỉ là trên giấy". Ông Dinh đặt vấn đề, tại sao không đưa vào luật để xử lý?

Bộ GTVT chưa có kết luận chính thức về Uber

Trả lời báo chí bên lề hội nghị DN vận tải với an toàn giao thông, đại diện Bộ GTVT cho biết, bộ đã nhận được kiến nghị của Hiệp hội taxi TPHCM về việc tạm dừng hoạt động của Uber.

Hiện tại, Bộ GTVT đang nghiên cứu các biện pháp quản lý cho phù hợp đối với loại hình này. Đồng thời, Bộ GTVT cũng sẽ làm việc với Uber để làm rõ các vấn đề pháp lý có liên quan.

Bộ GTVT kiểm tra tiến độ dự án nhà ga hành khách – Cảng hàng không Vinh

Sáng ngày 28/11/2014, đoàn công tác của Bộ Giao thông vận tải do Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường chủ trì đã có buổi làm việc và kiểm tra tiến độ thi công xây dựng nhà ga hành khách - Cảng hàng không Vinh.

Tham dự buổi làm việc, về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Nguyễn Xuân Đường – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Huỳnh Thanh Điền – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải và UBND thành phố Vinh.

Bộ GTVT kiểm tra tiến độ dự án nhà ga hành khách – Cảng hàng không Vinh

Đồng chí Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, đại diện Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), chủ đầu tư dự án tại Cảng hàng không Vinh đã báo cáo chi tiết tiến độ thi công dự án.

Đến nay, khối lượng thi công đã thực hiện được khoảng 90% giá trị hợp đồng. Các nhà thầu đang thực hiện công tác hoàn thiện và lắp đặt trang thiết bị để chuẩn bị cho việc vận hành thử. Dự kiến, nhà ga mới sẽ được đưa vào khai thác từ ngày 15/01/2015.

Đáng chú ý là tiến độ thi công các dự án như: đường tầng, nhà ga và sân đỗ máy bay triển khai nhanh, rút ngắn được 1 tháng so với kế hoạch ban đầu, đảm bảo chất lượng theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt, đảm bảo an toàn lao động và vệ sinh môi trường.

Bộ GTVT kiểm tra tiến độ dự án nhà ga hành khách – Cảng hàng không VinhCông trường Dự án nhà ga hành khách - Cảng hàng không Vinh

Sau khi nghe báo cáo và kiểm tra thực tế tại công trường, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường đã đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm, sự nỗ lực của chủ đầu tư - Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và các nhà thầu thi công dự án.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường yêu cầu, thời gian tới, Ban Quản lý dự án tiếp tục chỉ đạo các nhà thầu tập trung thi công để đảm bảo đúng tiến độ đề ra. Thứ trưởng đề nghị UBND tỉnh Nghệ An quan tâm chỉ đạo, thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng để đơn vị thi công nhanh chóng triển khai hệ thống đường gom dân sinh và tường rào phía tây nhà ga mới.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cũng yêu cầu Cảng hàng không Vinh khẩn trương hoàn thành hồ sơ, làm thủ tục cấp phép hoạt động cho nhà ga mới kịp thời.

Tin, ảnh: Phan Đăng Bảo Quang

Thứ Sáu, 17 tháng 10, 2014

Gần 6.000 phương tiện có nguy cơ đắp chiếu

Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp (DN) vận tải hàng hóa bằng sơmi rơmooc, Bộ GTVT đã cho phép hơn 7.100 phương tiện được phép tăng tải trọng khi tham gia giao thông (33 tấn đối với sơmi rơmooc 2 trục; 38 tấn đối với sơmi rơmooc 3 trục).
Để thực hiện việc điều chỉnh, Bộ GTVT yêu cầu các DN phải thay đổi vị trí chốt kéo và cụm trục, thời gian thực hiện đến hết ngày 31/12. Tuy nhiên, đến thời điểm này mới có hơn 1.100 xe được điều chỉnh. Như vậy, gần 6.000 phương tiện có nguy cơ "đắp chiếu".
Doanh nghiệp gặp khó
Theo Bộ GTVT, từ tháng 12/2013 đến hết tháng 7/2014, các trạm cân lưu động trên toàn quốc đã kiểm tra gần 200.000 lượt phương tiện, xử phạt gần 40.000 phương tiện chở quá tải, nộp ngân sách gần 125 tỷ đồng, tạm giữ 849 phương tiện, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe hơn 23.100 trường hợp... Nhờ đó, tình trạng xe chở quá tải ngang nhiên hoạt động đã giảm. Tuy nhiên, theo nhiều DN, việc các văn bản vừa ban hành đã "chết yểu", sự thờ ơ của các cơ quan chức năng trong việc tháo gỡ khó khăn cho DN... khiến hàng ngàn phương tiện không thể lưu thông.
Gần 6.000 phương tiện có nguy cơ đắp chiếu
Mật độ các xe sơmi rơmooc chạy trên Quốc lộ 5 Hà Nội - Hải Phòng luôn đông đúc
Ông Lê Văn Tiến - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Hải Phòng cho biết, Hải Phòng hiện có khoảng 1.500 xe sơmi rơmooc trong diện được nâng tải trọng. Tuy nhiên, đến nay, số phương tiện hoàn thành hoán cải vẫn rất ít. Lý giải về thực trạng này, ông Tiến cho biết, thủ tục rườm rà, chi phí lớn (khoảng 50 triệu đồng/xe - PV), sự thờ ơ của các đơn vị đăng kiểm khiến quy định dù đã triển khai được gần 3 tháng nhưng kết quả đạt được vẫn không đáng là bao. "Tôi trao đổi với 2 Giám đốc Trung tâm đăng kiểm ở Hải Phòng thì đều nhận được câu trả lời do Cục Đăng kiểm Việt Nam chưa có hướng dẫn cụ thể nên các Trung tâm chưa thể làm được" - ông Tiến cho biết.
Cũng liên quan đến vấn đề đăng kiểm, ông Đoàn Thanh Hải - Giám đốc Công ty CP Vận tải Xuân Trường cho biết, xe sơmi rơmooc được đơn vị nhập về từ năm 2005, chạy gần 10 năm nay với tải trọng 40 tấn, nhưng vừa rồi đi đăng kiểm chỉ được cấp phép cho chở 21 - 22 tấn. DN thắc mắc với Trung tâm đăng kiểm thì được trả lời rằng không có văn bản hướng dẫn nên chỉ được chở như vậy thôi. "Tại sao cùng là luật mà mỗi nơi lại áp dụng một kiểu? Không có hướng dẫn, không đăng kiểm được thì xe của chúng tôi mua phải để ở nhà đắp chiếu, nợ ngân hàng chồng chất, lấy gì trả nợ vốn vay?" - ông Hải bức xúc.
Kiên quyết kiểm soát tải trọng
Ông Nguyễn Hữu Trí - Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, từ khi Bộ GTVT có văn bản cho phép hơn 7.100 sơmi rơmooc các loại được phép tăng tải trọng khi tham gia giao thông, Cục đã có văn bản hướng dẫn việc thực hiện gửi các trung tâm đăng kiểm trên cả nước. Nếu 2 trung tâm đăng kiểm ở Hải Phòng trả lời là chưa có văn bản hướng dẫn như phản ánh, Cục sẽ kiểm tra lại và có biện pháp xử lý.
Gần 6.000 phương tiện có nguy cơ đắp chiếu
Xe sơmi rơmooc lưu thông trên đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội
Liên quan đến kiến nghị của ông Đoàn Thanh Hả, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, qua kiểm tra vẫn có nhiều phương tiện, đặc biệt là xe sơmi rơmooc được đặt hàng, chế tạo theo đơn đặt hàng của người mua, và nhiều người cho rằng đây là tiêu chuẩn quốc tế. Ông Thọ dẫn chứng: Xe Howo do Trung Quốc sản xuất nhưng không cho lưu hành ở nước này nhưng DN Việt Nam lại đặt và nhập khẩu rất nhiều. Khi nhập về, mỗi xe Howo theo thiết kế thùng chỉ 50cm, chở được 10 tấn, song công suất của xe chở lại lên tới 90 tấn. Do vậy, khi đăng kiểm xong, chủ xe cơi nới thùng lên để chở quá tải, tình trạng này rất phổ biến trong thời gian qua.
Về tiến độ việc cải tạo xe sơmi rơmooc, ông Thọ yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam phải có sơ kết đánh giá lại đúng thực trạng thực hiện hoán cải; thành lập ngay đội xử lý các vấn đề bức xúc của các DN vận tải. "Việc kiểm soát tải trọng phương tiện không đi lùi, không đi ngang, mà chỉ có tiến. Tôi biết nhiều DN hiện vẫn đang nghe ngóng thông tin về việc xử lý xe quá tải. Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ còn siết chặt hơn. Việc hoán cải có thể mất hàng trăm tỷ đồng cũng phải làm, còn hơn mất hàng ngàn tỷ đồng cho việc hư hại cầu đường" - ông Thọ nhấn mạnh.
Theo Văn bản số 8359/BGTVT-VT, các sơmi rơmooc không thực hiện thay đổi vị trí chốt kéo và vị trí cụm trục, sau ngày 31/12/2014 sẽ chỉ cấp Giấy chứng nhận kiểm định theo các giá trị như trước khi được điều chỉnh theo quy định trên. Đối với các trường hợp này, các xe buộc phải hạ tổng tải trọng cho phép khi tham gia giao thông để không vi phạm quá tải trọng trục theo quy định hiện nay.

Hà Nội: Chuẩn bị đưa tuyến buýt nhanh BRT vào hoạt động

Để chuẩn bị đưa tuyến buýt nhanh BRT vào hoạt động đầu năm 2015, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng vừa Sở GTVT phối hợp với Sở Tài chính và Tổng Công ty Vận tải Hà Nội lên phương án bố trí tuyến xe buýt chạy thử trong quý IV/2014 để nhân dân, hành khách quen với tuyến mới.
Việc thực hiện tuyến mới theo hướng chuyển các phương tiện từ tuyến cắt giảm, điều chỉnh, không bố trí thêm phương tiện để hạn chế tăng trợ giá.
Mặt khác, Phó Chủ tịch cũng giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý đường sắt đô thị, Sở Quy hoạch Kiến trúc lập phương án kết nối theo hướng vận tải hành khách công cộng hỗ trợ vận tải đường sắt đô thị. Trước hết là đối với tuyến đường sắt số 2A, dự kiến đưa vào hoạt động cuối năm 2015.
Sở GTVT phối hợp với Sở Tài chính, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội rà soát lại lĩnh vực vận tải công cộng, thực hiện điều chuyển, cắt giảm phương tiện, lượt chuyển của các tuyến hiệu quả không cao để bổ sung phương tiện, tăng tần suất cho các tuyến có nhu cầu vận chuyển tăng cao và mở rộng vùng hoạt động nhằm gia tăng số lượng người được sử dụng dịch vụ.
Hà Nội: Chuẩn bị đưa tuyến buýt nhanh BRT vào hoạt động
Bên cạnh đó, sau khi giá vé xe buýt tăng lên, có sự điều chỉnh từ vé lượt sang vé tháng làm ảnh hưởng đến doanh thu của một vài tuyến, Sở Tài chính và GTVT kiểm tra, phối hợp xem xét, thống nhất giải quyết, bảo đảm quyền lợi của các đơn vị.
Hơn nữa, đi đôi với công bố Quy hoạch vận tải nội tỉnh trên địa bàn TP trong năm 2014, Sở Giao thông Vận tải có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Tổng Công ty Vận tải Hà Nội khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện báo cáo UBND thành phố, Bộ Giao thông Vận tải về quy hoạch giao thông vận tải liên tỉnh...
Phó Chủ tịch đánh giá, hiện hạ tầng vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Thủ đô cơ bản đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hành khách. Tuy nhiên, chất lượng dịch vụ chưa cao, do đó, Sở GTVT phối hợp với Tổng Công ty Vận tải Hà Nội nghiên cứu, đầu tư các nhà chờ xe buýt ở khu vực ngoại thành, ven đô trên một số tuyến quốc lộ...
Tổng Công ty Vận tải Hà Nội tiếp tục tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, chấn chỉnh đội ngũ lái xe, phục vụ trên xe buýt về trách nhiệm, đạo đức, thái độ và văn hoá ứng xử trong phục vụ nhân dân...
Lan Hương

Thông tư mới quy định về thùng hàng

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa ký ban hành Thông tư số 42/2014/TT-BGTVT quy định về thùng hàng của xe tự đổ, xe xi téc, xe tải tham gia giao thông đường bộ. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/11/2014, thay thế Thông tư số 32/2012.
Thông tư mới quy định về thùng hàng
Thông tư mới quy định về thùng hàng Thông tư mới về quy định thùng hàng sẽ là cơ sở để lực lượng chức năng thanh, kiểm tra các xe có gắn thùng hàng trong thời gian tới. Ảnh: T.A

Thông tư số 42 quy định rõ, thùng hàng phải có kết cấu vững chắc, đảm bảo an toàn cho hàng hóa được chuyên chở, có sàn, các thành thùng phía trước, bên cạnh và phía sau. Thùng xe không được có các kết cấu để lắp được các chi tiết, cụm chi tiết dẫn tới việc làm tăng thể tích chứa hàng.
Đối với thùng hở của các loại sơ mi rơ moóc tải còn phải bố trí các khóa hãm công ten nơ. Thùng hàng sau khi lắp đặt lên xe phải thỏa mãn các yêu cầu về kích thước giới hạn cho phép của xe, chiều dài đuôi xe, khối lượng toàn bộ cho phép, khối lượng phân bố lên vị trí chốt kéo.
Thông tư mới cũng quy định, chiều cao của thùng xe tải phải tuân thủ các quy định; thể tích của thùng hàng xe tự đổ được xác định theo các kích thước hình học bên trong lòng thùng xe và đảm bảo sao cho khối lượng riêng biểu kiến tuân thủ quy định; đồng thời, thể tích chứa hàng của xe xi téc phải tuân thủ các yêu cầu.
T.A

Bộ Giao thông Vận tải: Cổ phần hóa các doanh nghiệp thu về 1.123 tỷ đồng

Chiều nay (7/10), Bộ Giao thông Vận tải tổ chức họp báo về việc thực hiện nhiệm vụ trong 9 tháng đầu năm 2014.
Theo thông tin từ Bộ Giao thông vận tải, 10 Tổng công ty sau khi hoàn thành cổ phần hóa từ đầu năm 2014 đã nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp tại SCIC phần giá trị cổ phần nhà nước bán bớt theo mệnh giá với tổng số tiền hơn 1.123 tỷ đồng.
Bộ Giao thông Vận tải: Cổ phần hóa các doanh nghiệp thu về 1.123 tỷ đồng
Bộ cũng cho biết Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cổ phần hóa Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines. Ngày 14/11, Vietnam Airlines sẽ tiến hành IPO trên HOSE.
Trong 9 tháng đầu năm 2014, Bộ đã phê duyệt giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa cho 17 doanh nghiệp; phê duyệt phương án cổ phần hóa cho 6 Công ty;
Các Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và Hàng hải Việt Nam đã phê duyệt phương án cổ phần hóa cho 07 công ty trực thuộc.
Hiện Bộ GTVT đang trong quá trình xem xét, thẩm định để phê duyệt Đề án tái cơ cấu tổng thể mô hình tổ chức và hoạt động theo định hướng cổ phần hóa (đến 2016) của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC).
Ngoài ra, về công tác thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong 9 tháng đầu năm 2014, các đơn vị đã tiến hành thoái vốn tại 23 doanh nghiệp thuộc 6 Tổng công ty và thu về số tiền trên 357,5 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo các ban chỉ đạo cổ phần hóa triển khai hoàn thành các bước trong lộ trình cổ phần hóa để Bộ quyết định phê duyệt phương án 24 doanh nghiệp.
Bộ đang trong quá trình chuẩn bị các bước để cổ phần hóa 21 doanh nghiệp còn lại trong năm 2015, để đến hết năm 2015, Bộ GTVT chỉ còn 16 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hoạt động trong lĩnh vực.

Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải bằng xe ô-tô

Nghị định 86/2014/NĐ-CP với nhiều quy định mới về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải (KDVT) bằng xe ô-tô đã thể hiện rõ quyết tâm của Chính phủ cũng như ngành giao thông vận tải (GTVT) trong việc siết chặt quản lý loại hình kinh doanh này trong thời gian tới.
Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải bằng xe ô-tô
Các loại xe khách, nhất là xe khách giường nằm sẽ là "đối tượng" quản lý bởi Nghị định 86/2014/NĐ-CP.
Siết chặt điều kiện kinh doanh Một điểm mới đáng chú ý trong Nghị định là quy định rõ các điều kiện đối với loại xe KDVT hợp đồng nhằm quản lý chặt chẽ hành trình của loại xe này, chống tình trạng xe dù và xe hợp đồng trá hình chạy tuyến cố định. Theo đó, từ ngày 1-7-2015, đối với xe ô-tô có trọng tải thiết kế từ 10 hành khách trở lên, trước khi thực hiện hợp đồng, đơn vị KDVT phải thông báo tới Sở GTVT nơi cấp Giấy phép KDVT các thông tin cơ bản của chuyến đi bao gồm: Hành trình, số lượng khách, các điểm đón, trả khách, thời gian thực hiện hợp đồng. Phó Tổng cục trưởng Đường bộ Nguyễn Văn Quyền cho biết: Hiện, lực lượng phương tiện tham gia loại hình hoạt động KDVT hợp đồng khá lớn, nhất là tại các thành phố lớn có thể lên đến hàng chục nghìn đầu xe. Quy định hiện hành đang cho phép các hộ cũng được phép tham gia kinh doanh loại hình này, gây ra hiện tượng có quá nhiều đầu mối, dẫn đến khó quản lý.
Những quy định mới trong Nghị định 86 đã tạo điều kiện cho các sở GTVT có thể dễ dàng kiểm tra hoạt động của các xe KDVT hợp đồng. Chỉ cần so sánh thông tin đăng ký với dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình, là có thể xác định ngay các xe này có chạy đúng quy định hay không, từ đó nếu vi phạm sẽ xử lý. Việc này sẽ giúp giảm hẳn tình trạng xe hợp đồng trá hình chạy tuyến cố định, tranh giành khách với xe khách thường, đón trả khách giữa đường,... thường gây mất an toàn giao thông nghiêm trọng. Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô-tô Nguyễn Văn Thanh nhận xét: Việc Nghị định 86 công nhận và quy định rõ điều kiện hoạt động của xe trung chuyển là điểm mới hợp lý. Loại hình phương tiện này sẽ phụ trách việc đưa đón hành khách từ các địa điểm trong thành phố ra các bến xe, giúp loại bỏ hẳn ưu thế trước đây của các xe hợp đồng thường được tiến sâu vào trung tâm thành phố.
Liên quan việc siết chặt quản lý loại hình vận tải xe khách giường nằm (XKGN), Cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam Trần Kỳ Hình cho biết: Hiện, cả nước có hơn 4.500 XKGN đã được kiểm định về điều kiện an toàn kỹ thuật. Tuy nhiên, việc bảo đảm an toàn của xe còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chất lượng xe, cung đường, người lái và các yếu tố tương thích khác.
Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Bộ GTVT về việc thử nghiệm, kiểm tra để đưa ra những thông số, đề xuất thay đổi tiêu chuẩn nâng cao tính an toàn, Cục Đăng kiểm đã triển khai nghiên cứu sự phù hợp của XKGN với từng cung đường, trên cơ sở đó có những lộ trình nhất định đối với các tuyến đường, loại xe cụ thể. Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia Khuất Việt Hùng khẳng định: Nghị định 86 có quy định rõ ràng việc quy hoạch tuyến cho XKGN. Sau khi có báo cáo từ Cục Đăng kiểm, căn cứ vào đó để xác định rõ những tuyến có độ cong, độ dốc bao nhiêu, XKGN sẽ không được hoạt động, từ đó sẽ đưa ra được quy hoạch cụ thể.
"Gom" để phát triển Nghị định 86 cũng quy định rõ quy mô của các đơn vị KDVT. Theo đó, riêng đối với xe khách tuyến cố định của đơn vị có trụ sở tại các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, sẽ phải có tối thiểu 20 xe. Tương tự, đối với các tỉnh còn lại sẽ phải có tối thiểu 10 đầu xe.
Riêng đơn vị có trụ sở đặt tại huyện nghèo theo quy định của Chính phủ phải có tối thiểu năm đầu xe. Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Quyền giải thích: Trước đây, hoạt động KDVT bằng xe ô-tô ở nước ta phát triển quá nhanh theo chiều rộng mà chưa đầu tư chiều sâu, dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp thường có kết cấu đơn giản, năng lực yếu,... khó có thể đáp ứng nhu cầu phát triển trong thời gian tới. Vì vậy, việc tái cơ cấu hoạt động KDVT bằng xe ô-tô đang là yêu cầu bức thiết cần làm ngay. Việc tập trung lực lượng sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn cho doanh nghiệp trong việc ứng dụng khoa học công nghệ cùng các phương pháp quản lý tiên tiến,... giúp nâng cao chất lượng phục vụ, tăng cường năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp này, tiến tới hiện đại hóa toàn ngành vận tải đường bộ. Về quy mô của doanh nghiệp được đưa ra trong Nghị định, Tổng cục Đường bộ đã tổ chức nghiên cứu cụ thể về tổng thể quy mô của các doanh nghiệp trong từng khu vực cũng như số lượng đơn vị đang tham gia KDVT,... qua đó đưa ra đánh giá và quy mô chuẩn theo quy định sau khi đã tham khảo ý kiến của các Sở GTVT. "Mức quy mô của các doanh nghiệp KDVT được đưa ra trong Nghị định 86 chỉ là mức trung bình thấp trong từng khu vực đã khảo sát", ông Quyền khẳng định.
Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ đánh giá: Nghị định 86 có những điểm rất mới, nếu được triển khai tốt sẽ tác động tích cực tới sự phát triển của xã hội, đặc biệt ở lĩnh vực giao thông đường bộ. Tuy vậy, đây không phải là công việc một sớm một chiều, mà đòi hỏi phải có sự phối kết hợp đồng bộ từ nhiều phía. Chỉ khi Bộ GTVT, các đơn vị liên quan cùng các đơn vị kinh doanh, lái xe và mỗi người dân... cùng quyết liệt vào cuộc, thực hiện nghiêm các quy định trong Nghị định thì sẽ lập lại được kỷ cương trong công tác quản lý KDVT, tạo được thị trường vận tải lành mạnh, công khai và minh bạch, bảo đảm ATGT, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
CHÍ CÔNG

Một số giải pháp ngành Giao thông vận tải cần chú trọng trong thời gian tới

Tại Thông báo số 3/TB-VPCP, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu ngành Giao thông vận tải cần rút kinh nghiệm từ thực tiễn, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công trình xây dựng hạ tầng giao thông; duy trì và nâng cao văn hóa giao thông, kiềm chế tai nạn và giảm thiểu ùn tắc giao thông.
Chỉ đạo về nhiệm vụ chủ yếu của năm 2012 và kế hoạch 5 năm 2011-2015, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu trong thời gian tới ngành Giao thông vận tải cần tiếp tục phát triển hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; thực hiện quyết liệt các giải pháp hạn chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông...
Một số giải pháp ngành Giao thông vận tải cần chú trọng trong thời gian tới
Mục tiêu cụ thể đặt ra là tổ chức thực hiện các chương trình, mục tiêu trong các lĩnh vực: đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không theo Đề án xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2011-2020.
Cải thiện chất lượng dịch vụ vận tải công cộng tại các đô thị lớn
Phó Thủ tướng yêu cầu ngành Giao thông vận tải cần chú trọng thực hiện một số giải pháp chủ yếu. Trong đó có việc đổi mới tư duy trong đề xuất tạo nguồn vốn, có giải pháp hợp lý để thu hút các nguồn vốn phục vụ cho đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải; phân tích, đánh giá, tìm hiểu nguyên nhân để khắc phục hiện tượng tăng suất đầu tư.
Ngành Giao thông vận tải cần rút kinh nghiệm từ thực tiễn, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công trình xây dựng hạ tầng giao thông; triển khai mạnh dịch vụ logistics, cải thiện chất lượng dịch vụ vận tải công cộng tại các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, duy trì và nâng cao văn hóa giao thông, kiềm chế tai nạn và giảm thiểu ùn tắc giao thông.
Đồng thời, rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong ngành, giám sát thực hiện và kịp thời điều chỉnh quy hoạch phát triển các lĩnh vực của ngành phù hợp với yêu cầu thực tế, đáp ứng nhu cầu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải của cả nước.
Bênh cạnh đó, chú trọng công tác phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành giao thông vận tải; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, chống lãng phí, thực hành tiết kiệm, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm.
Chinhphu.vn

Lùi thời gian thông xe cầu Nhật Tân đến tháng 1/2015

Do yêu cầu phía Nhật Bản, Tổng giám đốc Ban quản lý dự án 85 - Bộ Giao thông Vận tải (đại diện chủ đầu tư) dự án cầu Nhật Tân, Nguyễn Thanh Vân vừa cho biết, cầu Nhật Tân sẽ lùi thời điểm thông xe đến tháng 1/2015 thay vì thông xe vào đúng dịp kỷ niệm 60 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10) như kế hoạch.
Lùi thời gian thông xe cầu Nhật Tân đến tháng 1/2015
Cầu Nhật Tân đã gần như hoàn thiện để đưa vào sử dụng
Trước đây Bộ Giao thông Vận tải dự kiến sẽ thông xe cầu Nhật Tân trong tháng 10, tuy nhiên, sau khi Nhật Bản đề xuất và được Bộ Giao thông Vận tải thống nhất sẽ lùi thời gian thông xe đến cùng thời điểm khánh thành dự án đường nối từ cầu Nhật Tân đến sân bay Quốc tế Nội Bài và dự án Nhà ga quốc tế T2 (sân bay Quốc tế Nội Bài) vào tháng 1/2015 (các dự án này đều vay vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản).
Tổng giám đốc Nguyễn Thanh Vân cho biết tiến độ 3 gói thầu của cầu Nhật Tân đã cơ bản hoàn thành, riêng gói 2 phía quận Tây Hồ tại nút giao Phú Thượng còn vướng một số hạ tầng bên dưới.
Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải và thành phố Hà Nội đang phối hợp giải quyết, còn phía mặt trên cầu và đường xuống đã đảm bảo để thông xe.
Dự án xây dựng cầu Nhật Tân và đường dẫn hai đầu cầu có tổng mức đầu tư hơn 13.600 tỷ đồng.
BT

Hẩm hiu cổ phần cảng

Sau đợt bán đấu giá cổ phần lần đầu (IPO) bị ế, cảng Nha Trang - một trong 5 cảng phải thoái vốn của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) vẫn chưa tìm được nhà đầu tư chiến lược.
Hẩm hiu cổ phần cảng
Quy định về mức sở hữu của nhà đầu tư chiến lược không hấp dẫn khiến các cảng vẫn ế
Hiện, chỉ có Công ty CP Vinpearl (thuộc Tập đoàn Vingroup) được tiếp cận, tham gia vào tái cơ cấu cảng này.
Và mới đây, xuất hiện thêm thông tin một công ty con khác của Vingroup là Công ty TNHH Vinpearl Nha Trang đề nghị mua lại 34,6% cổ phần cảng Nha Trang, tương ứng khoảng 8,5 triệu cổ phần. Nếu giá chuyển nhượng bằng mệnh giá (10.000 đồng/CP) thì DN này sẽ phải bỏ ra khoảng 85 tỷ đồng để trở thành cổ đông lớn thứ 2, sau cổ đông Nhà nước.
Khách "sộp" Vinpearl
Theo phương án tái cơ cấu tổng công ty, Công ty hàng hải Vinalines Nha Trang - đơn vị quản lý cảng Nha Trang sẽ hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2014. Khi cổ phần hóa, cảng Nha Trang có vốn điều lệ là 245,3 tỷ đồng, tương ứng 24,53 triệu cổ phần. Nhà nước sẽ nắm giữ 75% vốn sau cổ phần, còn lại chào bán 22,7% cho nhà đầu tư thông thường và 2,3% còn lại bán ưu đãi cho người lao động, công đoàn...
Nhưng phiên đấu giá cổ phần cảng Nha Trang diễn ra hồi tháng 5/2014 đã thất bại. Chỉ có 47 cá nhân mua tổng số 6,3% lượng cổ phần chào bán, thu về 3,5 tỷ đồng. Hiện, Vinalines vẫn sở hữu 95,7% cổ phần của đơn vị này. Không bán được hết cổ phần dự kiến khiến tiến độ CPH bị ảnh hưởng, và Vinalines cũng chưa có thêm nguồn thu trả nợ.
Thời điểm ấy, đã có thông tin nhiều nhà đầu tư "đánh tiếng" muốn mua lại cổ phần lớn của cảng Nha Trang vì những lợi thế đắc địa của cảng, như nằm ở vị trí trung tâm thành phố, giao thương thuận lợi, lại phát triển mạnh về du lịch... Văn phòng Chính phủ đã hối thúc Vinalines sớm chuyển giao cảng Nha Trang về cho UBND tỉnh Khánh Hòa quản lý, sử dụng, để chuyển đổi thành cảng du lịch, phù hợp với lợi thế của địa phương.
Khi đó, Công ty CP Vinpearl - một nhà đầu tư lớn tại tỉnh Khánh Hòa đã được tiếp cận, phối hợp với cảng Nha Trang xây dựng kế hoạch đầu tư, phát triển cảng, chuyển đổi công năng sang cảng phục vụ du lịch.
Đến cuối tháng 8 vừa qua, UBND tỉnh Khánh Hòa đã họp và thống nhất việc Công ty CP Vinpearl mua cổ phần cảng Nha Trang với giá 85 tỷ đồng, tương ứng 8,5 triệu cổ phần (chiếm tỷ lệ 34,6% vốn điều lệ). Giá chuyển nhượng cổ phần cũng bằng số tiền mà Vinalines đã đầu tư cho cảng.
Hiện, các bên liên quan chưa tiết lộ thông tin tham gia mua cổ phần cảng, tỷ lệ sở hữu, giá trị chuyển nhượng... Và cũng chưa rõ công ty con nào của Vingroup - Công ty CP Vinpearl hay Công ty TNHH Vinpearl Nha Trang - sẽ nhận chuyển nhượng 34,6% cổ phần cảng. Song, hai công ty của Vingroup đều được đánh giá là nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, chiến lược, uy tín đủ khả năng "vực dậy" cảng Nha Trang sau thời gian dài hoạt động kém hiệu quả.
"Ế" vì hạn chế quyền cổ đông?
Nằm trong nhóm 4 cảng biển loại 1 được cổ phần hóa năm 2014 (cùng với cảng Cam Ranh, Nghệ An, Quy Nhơn), cảng Nha Trang sẽ giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước xuống 75%. Số tiền thu được từ bán cổ phần các cảng sẽ được dùng để cơ cấu nợ cho Vinalines. Do đó, áp lực xử lý các khoản nợ rất lớn của Vinalines, trong thời gian gấp gáp sẽ khiến các cảng phải đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa.
Cảng Nha Trang cũng dự kiến sẽ lựa chọn nhà đầu tư chiến lược để chuyển nhượng cổ phần lớn, hỗ trợ hoạt động kinh doanh của cảng tốt hơn. Nhưng với nhà đầu tư chiến lược, điều quan trọng là họ được sở hữu tỷ lệ cổ phần tối đa để có thể tham vào các quyết sách quan trọng của DN.
Trong trường hợp trên, nếu một hoặc cả hai công ty con (Vinpearl và Vinpearl Nha Trang) của Tập đoàn Vingroup cùng tham gia mua 34,6% cổ phần như đề xuất, thì phần vốn nhà nước tại cảng sẽ giảm xuống còn 59,1%. Tức là, thấp hơn mức sở hữu tối thiểu của cổ đông nhà nước (tỷ lệ 75%). Trường hợp Nhà nước thoái vốn dưới mức 75% thì Vinalines sẽ phải báo cáo Bộ GTVT để trình xin ý kiến của Thủ tướng quyết định trong từng trường hợp cụ thể.
Trên thực tế, các đợt chào bán cổ phần cảng của Vinalines thời gian qua đã không hoàn thành như dự tính. Đơn cử, cảng Hải Phòng - DN cảng kinh doanh hiệu quả, có lãi cao dự kiến bán 10,26% cổ phần (vốn điều lệ 4.314 tỷ đồng) cho nhà đầu tư chiến lược trong đợi IPO hồi tháng 5/2014.
Nhà đầu tư muốn mua là Ngân hàng Vietinbank - chủ nợ lớn của Vinalines, sẽ phải chi tối thiểu 440 tỷ đồng. Chưa rõ, kết quả đàm phán giữa các bên liên quan ra sao, nhưng đến giờ, cảng Hải Phòng vẫn chưa lựa chọn được nhà đầu tư chiến lược.
Theo các nhà đầu tư, một trong những lý do khiến cổ phần cảng bị ế (dù lĩnh vực kinh doanh tiềm năng, lợi thế cao) là vì tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư chiến lược còn thấp.
Mức tỷ lệ "lý tưởng" là 35%, nhằm đảm bảo cổ đông chiến lược có tiếng nói trong các quyết sách quan trọng của DN sau cổ phần hóa - nơi mà các cổ đông nhà nước đang nắm tỷ lệ chi chi phối tuyệt đối. Trong khi đó, giới hạn sở hữu của nhà đầu tư chiến lược tại các cảng Hải Phòng, Nha Trang hay Quy Nhơn chỉ từ 10-22%, thì e rằng, khó hấp dẫn.