Cho thuê xe - Cho thuê xe du lịch

Thứ Năm, 26 tháng 2, 2015

Đường đông, nhưng không ùn tắc kéo dài

Ngày 23-2, ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, dòng người từ các tỉnh, thành phố bắt đầu trở lại Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các thành phố lớn. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Nhân Dân tại các địa phương, mặc dù lượng người và phương tiện trên các tuyến quốc lộ, tại khu vực cửa ngõ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đông hơn bình thường nhưng tình hình giao thông vẫn được bảo đảm.
Đường đông, nhưng không ùn tắc kéo dài
Tại xa lộ Hà Nội (TP Hồ Chí Minh), mặc dù lượng người tham gia giao thông khá đông, nhưng không xảy ra ùn tắc.

Ngay từ sáng sớm 23-2, các tuyến đường cửa ngõ Thủ đô Hà Nội đông nghịt người và phương tiện giao thông. Tại các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm, Nước Ngầm, lượng hành khách ước tính tăng 40% - 50% so với ngày thường. Người nào cũng tay xách nách mang, đồ đạc lỉnh kỉnh, tấp nập xuống xe, đổ vào trung tâm thành phố bằng đủ các loại phương tiện. Do thời tiết dịp Tết khô ráo, nắng ấm, nhiều người từ các tỉnh lân cận trở lại thành phố bằng xe máy, góp phần giảm tải cho các bến xe. Bên cạnh đó, Tết năm nay được nghỉ sớm, kéo dài chín ngày, nhiều gia đình về quê ăn Tết trở lại thành phố rải rác từ ngày hôm trước để thưởng thức không khí xuân tại Hà Nội. Chiều tối 22-2 (tức mùng 4 Tết), các tuyến đường dẫn về Hà Nội đều đông đúc; tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ xảy ra ùn tắc kéo dài. Ngày mùng 5 Tết, mặc dù là ngày cao điểm nhất, lượng phương tiện tuy tăng vọt trên các tuyến đường, song không xảy ra ùn tắc. Từ sáng sớm, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ, đường sắt (Công an TP Hà Nội) đã ra quân đầu năm bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT), huy động 100% quân số phối hợp các lực lượng chốt trực, hướng dẫn giao thông tại 336 nút và 25 chốt trọng điểm; tăng cường lực lượng tuần tra lưu động trên 14 tuyến quốc lộ, trục chính ra vào thành phố.
Đường đông, nhưng không ùn tắc kéo dài
Các tuyến xe buýt tại Hà Nội được tăng tần suất vận chuyển nhằm giải tỏa nhanh hành khách.

Tại các điểm tập trung đông phương tiện ra vào thành phố như bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình, các điểm trung chuyển nhà ga, các tuyến ra vào nội đô, lực lượng CSGT chủ động phân luồng từ xa, tránh ùn tắc cục bộ. Tuy nhiên, đến chiều 23-2, lượng phương tiện đổ về Hà Nội dày đặc, ùn ứ xảy ra tại các cửa ngõ dẫn về thành phố; hành khách tại các bến xe như Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm,...tăng mạnh. Do bến Mỹ Đình đã hoàn thiện việc mở rộng, nên đáp ứng về nhu cầu đỗ xe cũng như giải tỏa khách khá dễ dàng, thông thoáng. Bến cũng chủ động phối hợp lực lượng CSGT, trật tự, thanh tra giao thông và lực lượng an ninh của bến, tổ chức phân luồng trên đường Phạm Hùng, các cửa ra, vào bến để giải tỏa giao thông, tránh ùn ứ. Đối với hành khách đến, bến phát loa hướng dẫn hành khách sử dụng các dịch vụ vận tải hỗ trợ để về nội đô như xe buýt, ta-xi, xe ôm. Bến xe Giáp Bát cũng phối hợp các lực lượng chức năng phân luồng từ xa trên đường Giải Phóng để tránh ùn tắc cục bộ khu vực ra vào; sắp xếp, bố trí cho xe về bến, tránh tình trạng mất trật tự, an toàn tại bến xe; tăng tần suất vận chuyển các tuyến xe buýt vào ngày 23-2.

Từ ngày 22-2, người dân các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu đổ về TP Hồ Chí Minh và có xu hướng ngày càng đông. Tại bến phà Vàm Cống (quốc lộ 80, nối Đồng Tháp và An Giang), dòng xe cộ ùn lại trên hướng từ An Giang sang Đồng Tháp. Xe khách từ Rạch Giá (Kiên Giang) về TP Hồ Chí Minh phải mất hơn một giờ đồng hồ mới có thể qua được phà Vàm Cống. Thêm vào đó, người dân các nơi đổ về trảy hội Núi Sam, bà chúa Xứ,... cũng khiến giao thông bị gia tăng áp lực. Trong vài ngày qua, tại một số địa phương lân cận TP Hồ Chí Minh đã xảy ra ùn tắc cục bộ. Trên quốc lộ 1, thuộc địa bàn tỉnh Tiền Giang xảy ra nhiều điểm ùn tắc giao thông, nhất là tại khu vực cầu Mỹ Quý, ngã tư thị trấn Cai Lậy, cầu Cai Lậy, cầu Phú Nhuận (huyện Cai Lậy) và cầu Bà Đắc (huyện Cái Bè),... Trên quốc lộ 51 (đoạn từ ngã ba giao lộ Nhơn Trạch - quốc lộ 51 đến cầu Suối Cả) thuộc huyện Long Thành (Đồng Nai), đã xảy ra kẹt xe kéo dài hơn 5 km diễn ra trong nhiều giờ liền. Trong chiều 22-2, lượng người và xe cộ từ các tỉnh miền tây đổ về TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền đông tăng cao, gây kẹt xe kéo dài nhiều đoạn trên quốc lộ 1. Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc không nghiêm trọng như mọi năm do một số điểm kẹt xe thường xuyên như cầu Kinh Xáng (huyện Châu Thành), cầu Cổ Cò, cầu An Hữu (huyện Cái Bè) đã được xây dựng mới. Đại diện Bến xe Miền Đông (TP Hồ Chí Minh) cho biết, trong ngày 23-2, bến xe đón gần 1.400 xe khách với khoảng 40 nghìn người, tăng gấp hơn hai lần so với ngày hôm trước. Trong đó, lượng xe về bến chủ yếu từ các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ, miền trung,... Tương tự, tại cửa ngõ phía tây của thành phố, lượng người đi xe máy, ô-tô từ các tỉnh Tây Nam Bộ về tiếp tục tăng mạnh.

Trong ngày 23-2, dự kiến có thể đạt 35 nghìn khách về bến. Ngoài việc bảo đảm trật tự trên các tuyến đường, khu vực chung quanh bến, Bến xe Miền Tây cũng kiến nghị Sở Giao thông vận tải tăng cường xe buýt trên một số tuyến để người dân đi lại thuận tiện. Trên quốc lộ 51 đi Vũng Tàu, ngay từ sáng sớm 22-2, bắt đầu xảy ra ùn ứ giao thông nghiêm trọng. Người dân từ TP Hồ Chí Minh và một số địa phương khác đổ về Vũng Tàu tắm biển khá đông, gây ùn ứ kéo dài khoảng 3 km, từ hướng Long Thành đi Vũng Tàu ở khu vực trạm thu phí.

Trên tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành, lượng người, xe tăng nhưng không ùn tắc. Ngày 23-2, tại Bến xe Cần Thơ, đông đảo người dân các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long trở về TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ, lượng khách qua bến xe tăng hơn 30% so với ngày thường, với khoảng 18 nghìn lượt/ngày nhưng không xảy ra hiện tượng ùn ứ tại bến xe. Để phục vụ nhu cầu người dân, Công ty Cổ phần Bến xe tàu phà Cần Thơ tăng khoảng 300 chuyến xe/ngày, nâng tổng số chuyến xuất bến lên hơn 900 chuyến/ngày; hợp đồng với Công ty xe khách Sài Gòn chuẩn bị 100 chuyến xe để đề phòng hiện tượng khách tăng đột biến. Mặc dù lượng hành khách qua Bến xe Cần Thơ tăng nhưng do chuẩn bị tốt và phần lớn hành khách đi các tuyến cố định đặt vé từ trước nên không xảy ra tình trạng nhà xe tăng giá đột biến, bắt chẹt hành khách. Tuy nhiên, giá vé vẫn tăng khoảng 20% -40% so với ngày thường với lý do nhà xe bù cho "chiều rỗng" chạy ngược không có khách.

Trong dịp Tết, đường dây nóng của các bộ, ban, ngành, địa phương đã nhận hàng trăm cuộc gọi phản ánh về tình trạng nhồi nhét, chặt chém khách đi xe, nhưng vẫn không thể ngăn chặn việc tăng giá vé xe khách vô tội vạ. Ủy ban ATGT Quốc gia cho hay, đường dây nóng của Ủy ban đã tiếp nhận hàng trăm cuộc gọi, tin nhắn của người dân phản ánh về tình trạng nhà xe nhồi nhét, tăng giá vé gấp đôi trên một số tuyến như Phú Thọ - Hà Nội, Thanh Hóa - Hà Nội,... Một hành khách đi chuyến xe Ninh Bình - Hà Nội chiều 23-2 bức xúc phản ánh, bình thường đi tuyến này, giá vé chỉ 80 nghìn đồng/người, nhưng ngày Tết nhà xe thu vé một giá ở tất cả các chặng, đều 100 nghìn đồng/lượt, những hành khách đi chặng ngắn như Ninh Bình - Hà Nam hay Hà Nam - Hà Nội cũng bị thu mức 100 nghìn đồng/lượt. Tương tự, tuyến Cẩm Phả - Hà Nội, một gia đình ở Quảng Ninh trở về Hà Nội chiều 23-2 cho hay, giá vé thường ngày 100 nghìn đồng/lượt, nhưng nhà xe đã thu 150 nghìn đồng/vé.
Để hạn chế tai nạn giao thông trong những ngày tới, Ủy ban ATGT Quốc gia yêu cầu các thành phố lớn, nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện phương án bố trí, huy động lực lượng CSGT tại các khu vực cửa ngõ thành phố, đền, chùa, khu vực kinh doanh thực hiện phân làn, phân luồng, điều tiết giao thông tăng cường kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự ATGT.

Ngày 23-2, Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) cho biết, trong các ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2015 (từ 15-2 đến 22-2), lượng hành khách thông qua các cảng hàng không Việt Nam đạt 1,3 triệu hành khách, 13.700 tấn hàng hóa. Trong đó, các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển đạt 655 nghìn khách, 3.700 tấn hàng hóa. Thống kê chưa đầy đủ, với hơn 4.200 chuyến bay dịp Tết, có 928 chuyến bị chậm, trong đó Hãng hàng không Vietnam Airlines chậm 562 chuyến, Vietjet chậm 222 chuyến, Jetstar Paciịc chậm 124 chuyến, VASCO chậm 20 chuyến. Ngoài ra, có 35 chuyến bay bị hủy.

Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, trong ngày 23-2 (mùng 5 Tết), cả nước xảy ra 70 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 44 người, bị thương 68 người; trong đó đường bộ xảy ra 69 vụ, làm chết 43 người, bị thương 68 người, đường sắt xảy ra một vụ, làm chết một người. Trong chín ngày Tết (từ 15-2 đến 23-2), cả nước xảy ra 536 vụ TNGT, làm chết 317 người, bị thương 509 người. Trong đó, đường bộ xảy ra 525 vụ, làm chết 308 người, bị thương 505 người; đường sắt xảy ra 10 vụ, làm chết chín người, bị thương ba người.

BÀI VÀ ẢNH: HẠNH NGUYÊN, HƯNG QUÝ TÂM

Dùng công nghệ để giảm thiểu tai nạn giao thông

Thống kê cho thấy phần lớn nguyên nhân các vụ tai nạn là do lỗi tài xế, nên một số doanh nghiệp vận tải đã áp dụng công nghệ để giám sát tài xế nhằm hạn chế tai nạn.

Dùng công nghệ  để giảm thiểu tai nạn giao thông - ảnh 1
Bộ phận quản lý an toàn của Công ty Phương Trang theo dõi trực tuyến hoạt động các chuyến xe của hãng - Ảnh: Mai Vọng
Theo Tổng công ty cơ khí GTVT Sài Gòn (Samco), đơn vị quản lý 4 bến xe khách liên tỉnh tại TP.HCM, trong 20 ngày trước và sau tết, dự kiến sẽ có khoảng 1,3 triệu khách đi/đến TP.HCM qua các bến xe Miền Đông (BXMĐ), Miền Tây, An Sương và Ngã Tư Ga. Chỉ riêng trong 10 ngày trước tết, dự báo có khoảng 800.000 người đi xe khách. Nếu tính mỗi xe chở 40 người thì có đến 20.000 chuyến xe khách xuất bến. Đó mới chỉ là lượng xe xuất phát từ TP.HCM, nếu tính trên cả nước, con số sẽ cao gấp nhiều lần như thế.

Xe ngoài bến tiềm ẩn nguy cơ

Trường hợp chiếc xe khách xuất phát từ TP.HCM vừa xảy ra tai nạn ở Bình Thuận ngày 9.2, ông Thượng Thanh Hải, Phó tổng giám đốc BXMĐ cho biết đây là xe hoạt động ngoài BXMĐ. Ông nói: “Để đảm bảo an toàn cho hành khách, nhất là trong dịp tết, tất cả các xe trước khi xuất bến đều được lực lượng chức năng tại bến xe kiểm tra các giấy tờ liên quan như giấy đăng kiểm, bằng lái, bảo hiểm và các điều kiện kỹ thuật như búa thoát hiểm, bình chữa cháy... Những xe nào bị phát hiện không đáp ứng các điều kiện trên thì tuyệt đối không được xuất bến”.

Theo ông Hải, gần đây, bến xe đã phát hiện nhiều xe khách thiếu dây an toàn, búa thoát hiểm... Trung bình mỗi tháng tại BXMĐ phát hiện, đình chỉ gần 20 xe không đảm bảo các điều kiện kỹ thuật an toàn. Các trường hợp này đều được lãnh đạo bến xe báo cáo về Sở GTVT.

Ông Lê Hoàng Minh, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho hay Sở đã phân công trách nhiệm lãnh đạo các bến xe phải kiểm tra thật kỹ, toàn diện các điều kiện an toàn của xe khách trong bến. Chỉ những xe đủ điều kiện an toàn kỹ thuật, an toàn cháy nổ mới cho xuất bến. Còn đối với xe hợp đồng thì doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm kiểm tra. Hành khách không nên nghe lời gạ gẫm mua vé tại các tụ điểm bán vé xe khách trái phép vì xe “dù”, rất khó kiểm soát. “Bà con nên vào bến xe mua vé hoặc đi xe của những hãng có tiếng để an toàn, đi xe bên ngoài tiềm ẩn nhiều nguy cơ”, ông Minh khuyến cáo.

Quản lý xe bằng camera trực tuyến
 
 
CSGT TP.HCM ra quân xử phạt xe khách vi phạm
Sáng 9.2, Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC67), Công an TP.HCM, phối hợp Đội Thanh tra giao thông số 5 ra quân xử lý xe khách vi phạm. Chưa đầy một giờ đồng hồ đã có 4 trường hợp xe khách bị tổ tuần tra lập biên bản, xử phạt hành chính do vi phạm đón, trả khách không đúng nơi quy định; mở cửa khi xe đang chạy.
Theo trung tá Phan Minh Phước, Phó đội trưởng Đội CSGT Rạch Chiếc, sau ngày 20 tết (8.2.2015) lưu lượng người dân sinh sống, làm việc tại TP.HCM về quê rất đông, sẽ gia tăng tình trạng xe khách chở quá số người cho phép, đón, trả khách không đúng nơi quy định. Theo số liệu của PC67, từ ngày 22.12.2014 đến 31.1.2015, lực lượng CSGT trên toàn địa bàn TP.HCM đã lập biên bản xử lý 342 trường hợp xe khách vi phạm về chở quá số người quy định; dừng đón trả khách không đúng nơi quy định.
Công Nguyên
 

Với doanh nghiệp vận tải hành khách có hơn 1.000 chuyến xe xuất bến mỗi ngày như Công ty Phương Trang, việc đảm bảo an toàn cho những chuyến xe trên đường luôn được chú trọng. Trao đổi với Thanh Niên vào chiều 9.2, ông Đặng Trọng Hiền, Phó tổng giám đốc công ty, cho biết có 3 yếu tố liên quan đến vấn đề an toàn giao thông là chất lượng xe, tài xế và quản lý an toàn cho tất cả các chuyến xe.

Để quản lý an toàn các chuyến xe đang lưu thông trên đường, ngoài thiết bị giám sát hành trình theo quy định của Bộ GTVT, tất cả xe khách Phương Trang đều được quản lý từ xa bằng camera, trong đó toàn bộ xe khách đường dài đều là camera kết nối trực tuyến. Trên mỗi xe có 3 camera, gồm 1 chiếc trong xe, 1 chiếc phía trước và 1 chiếc bên hông xe để quan sát hành trình trên đường.

Bộ phận quản lý an toàn đặt tại TP.HCM, làm việc 24/24 để theo dõi từng chuyến xe, có thể nhìn thấy rõ tài xế đang làm gì, có dừng rước khách dọc đường hay không, có biểu hiện buồn ngủ hay vi phạm những điều cấm như hút thuốc lá, nghe điện thoại không có tai phone... hay không, để nhắc nhở, chấn chỉnh ngay. Bộ phận quản lý còn biết xe đang dừng hay đang chạy, vị trí ở đâu, có chạy quá tốc độ hay không. Ngay khi xe chạy quá tốc độ, trên xe cũng có tín hiệu nhắc nhở tự động để tài xế giảm tốc.

Hằng ngày, bộ phận này lập danh sách tất cả các trường hợp vi phạm, báo cáo Ban tổng giám đốc để xử lý những vi phạm đó. “Những trường hợp chạy quá tốc độ, ngoài việc bị lực lượng CSGT xử phạt, tài xế còn bị công ty phạt nữa”, ông Hiền cho hay. Kỹ như vậy, nhưng cũng không tránh khỏi những tai nạn từ những yếu tố bất khả kháng như đường xấu có thể gây nổ vỏ (dù vỏ xe chưa đến kỳ thay mới) hay như trường hợp bị xe khác tông vào xe mình...

Cũng than phiền về đường xấu, nhất là trên QL1 đi qua miền Trung đang được thi công, ông Nguyễn Thanh Phong, Phó giám đốc Công ty TNHH vận tải Chín Nghĩa, cho biết công ty phải thường xuyên kiểm tra an toàn kỹ thuật của xe cũng chính vì đường quá xấu. Trước khi xuất bến, nhân viên kỹ thuật phải kiểm tra xe; sau mỗi chuyến xe lại kiểm tra tiếp lần nữa.

Đối với du lịch lữ hành, bà Trần Việt Hương, đại diện Công ty du lịch Vietravel, cho biết 100% số lượng xe (loại xe từ 16 chỗ trở lên) của doanh nghiệp này đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Tất cả số xe này đều chấp hành các quy định về đăng ký, đăng kiểm đảm bảo vệ sinh môi trường, giảm khí thải và đảm bảo chất lượng hoạt động của xe; tham gia các quy định về bảo hiểm đảm bảo quyền lợi của hành khách. Mỗi tài xế không lái xe quá 4 tiếng liên tục và tổng thời gian lái xe không vượt quá 10 tiếng mỗi ngày. Công ty sắp xếp 2 tài xế đối với các lộ trình dài để đảm bảo an toàn cho hành khách và điều kiện sức khỏe của nhân viên. Tất cả xe của công ty đều cài đặt GPS để quản lý từ xa. Cụ thể là quản lý lộ trình, cự ly, tốc độ, địa điểm, thời gian tài xế lưu thông, đảm bảo tuân thủ quy tắc an toàn giao thông, đặc biệt, đảm bảo quy định về tốc độ và thời gian lái xe. Các thiết bị này không chỉ giúp tài xế lái xe an toàn mà còn giúp công ty giám sát chặt chẽ hoạt động của xe, hỗ trợ, nhắc nhở tài xế kịp thời trong hành trình.
Mai Vọng - Đình Mười - Trần Tâm

Thứ Ba, 10 tháng 2, 2015

Phó Thủ tướng: Lấy xe của TGĐ Vận tải Hà Nội đưa dân về quê ăn Tết

"Bến xe phải bố trí đủ phương tiện để nhân dân được về quê ăn Tết. Nếu thiếu, lấy xe của Giám đốc bến, thậm chí lấy cả xe của Tổng Giám đốc Công ty vận tải Hà Nội đưa hành khách về quê", Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Ngày 9/2, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, đã làm việc với Cục Cảnh sát giao thông và kiểm tra công tác vận tải tại bến xe Mỹ Đình (Hà Nội).
Phó Thủ tướng: Lấy xe của TGĐ Vận tải Hà Nội đưa dân về quê ăn Tết
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thị sát ở Bến xe Mỹ Đình
Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông Trần Sơn Hà cho biết, những ngày gần đây xảy ra 2 vụ tai nạn nghiêm trọng, đó là điều rất đáng buồn. Vì vậy, Cục Cảnh sát giao thông cùng các địa phương sẽ siết lại hoạt động xe khách chạy ban đêm, bố trí lực lượng ứng trực thường xuyên để không xảy ra tình huống bất ngờ. Lãnh đạo ngành cảnh sát giao thông cũng quyết tâm tiếp tục giảm tai nạn giao thông.
Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội cho biết, những ngày giáp Tết, tình hình giao thông trên địa bàn rất phức tạp. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó là do lượng phương tiện lưu thông trên đường ngày càng đông. Hơn nữa, Hà Nội hiện có 24 điểm rào chắn, công trình vừa thi công lại vừa sử dụng nên gây ùn tắc.
Để xử lý tình trạng trên, Đại tá Thắng đã chỉ đạo 100% lực lượng cảnh sát giao thông ứng trực trong dịp Tết, tập trung xử lý xe quá tải, vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện, đảm bảo hoạt động an toàn giao thông trước, trong và sau Tết...
Ngay sau khi nghe báo cáo, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, Tết Nguyên đán năm nay thời gian nghỉ dài ngày, cùng với đó là hoạt động thăm hỏi, chúc Tết, mua sắm, lễ hội sẽ tăng cao, lượng người tham gia giao thông lớn. Vì vậy, Cục Cảnh sát giao thông phải xử lý vi phạm, siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện với mục tiêu tính mạng con người là trên hết.
Phó Thủ tướng: Lấy xe của TGĐ Vận tải Hà Nội đưa dân về quê ăn Tết
Phó Thủ tướng lên xe hỏi thăm hành khách để nắm thông tin giá vé những ngày giáp Tết
Tại đây, Phó Thủ tướng cũng đánh giá, nhiều điểm ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh ùn tắc rất nặng. Chính xe đưa Phó Thủ tướng đi làm việc từng bị kẹt trên một tuyến đường ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) nửa tiếng không thoát ra được. Do vậy, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thay đổi lại cách tổ chức giao thông phù hợp hơn.
Thị sát tại Bến xe Mỹ Đình, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi hành khách về việc phục vụ và giá vé của các hãng xe. Sau khi nắm bắt tình hình, Phó Thủ tướng yêu cầu Tổng Công ty Vận tải Hà Nội tạo điều kiện cho các hãng kinh doanh vận tải tốt, ngược lại, những xe không đảm bảo chất lượng phải ra khỏi bến.
Phó Thủ tướng yêu cầu các đơn vị vận tải hoạt động trong bến xe Mỹ Đình niêm yết công khai giá vé để người dân biết. Hãng nào không giảm giá vé theo quy định cần phải xử lý nghiêm để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.
Bến xe phải bố trí đủ phương tiện để khách về quê ăn Tết. "Nếu thiếu lấy xe của Giám đốc bến, thậm chí lấy cả xe của Tổng Giám đốc Công ty vận tải Hà Nội đưa hành khách về quê ăn Tết", Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.
Quang Phong

Bộ Giao thông vận tải bổ nhiệm 2 lãnh đạo cấp cao

Bộ Giao thông vận tải vừa bổ nhiệm ông Vũ Đỗ Anh Dũng, Thiếu tướng, Cục trưởng Cục Cảnh sát đường thủy, Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội (Bộ Công an) giữ chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam và ông Lê Đức Việt, Tổng biên tập Tạp chí Giao thông vận tải giữ chức Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông.
Bộ Giao thông vận tải bổ nhiệm 2 lãnh đạo cấp cao
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường (trái) trao Quyết định cho Thiếu tướng Vũ Đỗ Anh Dũng (phải).
Sáng 2/2, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tổ chức Lễ công bố Quyết định số 389/QĐ-BGTVT ngày 30/1/2015 của Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng về việc tiếp nhận ông Vũ Đỗ Anh Dũng, Thiếu tướng, Cục trưởng Cục Cảnh sát đường thủy, Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội (Bộ Công an) sang làm việc biệt phái tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam và bổ nhiệm giữ chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam kể từ ngày 2/2/2015.
Ông Vũ Đỗ Anh Dũng sinh ngày 30/4/1961, tại huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ; trình độ chuyên môn Kỹ sư cơ khí ô tô, Thạc sỹ Luật.
Trước khi được bổ nhiệm Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, ông Vũ Đỗ Anh Dũng từng đảm nhận các chức vụ Phó trưởng phòng Đăng ký quản lý xe (P3/C26); Trung đoàn trưởng Trung đoàn Tuần tra, kiểm soát giao thông sắt - bộ - thủy (C26); Trường phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ (P6/C26); Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông(C26); Cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt (C67); Cục trưởng Cục Cảnh sát đường thủy (C68); Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội (Bộ Công an).
Bộ Giao thông vận tải bổ nhiệm 2 lãnh đạo cấp cao
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường (trái) trao Quyết định cho ông Lê Đức Việt (phải).
Cùng ngày, Bộ GTVT công bố Quyết định luân chuyển, bổ nhiệm ông Lê Đức Việt, Tổng biên tập Tạp chí GTVT giữ chức Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, kể từ ngày 29/1/2015.
Ông Lê Đức Việt sinh năm 1957, là Thạc sỹ Quản trị kinh doanh Trường Đại học GTVT. Từ tháng 11/2002 – 03/01/2005, ông giữ chức Phó Tổng biên tập Thường trực Tạp chí GTVT. Từ ngày 4/1/2005 đến nay, ông giữ chức Tổng biên tập Tạp chí GTVT.
Ngoài ra, Bộ GTVT cũng quyết định bổ nhiệm ông Trịnh Ngọc Hoàn, Phó Tổng biên tập Báo Giao thông giữ chức Tổng Biên tập Tạp chí GTVT.
Ông Trịnh Ngọc Hoàn sinh năm 1961; trình độ Cử nhân Báo chí – Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Cử nhân Kinh tế Vận tải – Đại học GTVT.
KIỀU CHÂUa

Khẩn trương thay thế các khe co giãn trên cầu Thăng Long

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng vừa ký Công văn hỏa tốc số 629/BGTVT-KHCN gửi các cơ quan, đơn vị liên quan về việc khẩn trương xử lý các khe co giãn trên cầu dẫn thuộc trụ cầu ON6 và OB6 của đường ô tô cầu Thăng Long.
Khẩn trương thay thế các khe co giãn trên cầu Thăng Long
Các cơ quan, đơn vị khẩn trương tiến hành thay thế đồng bộ hai khe co giãn trên cầu Thăng Long trước Tết Nguyên đán 2015
Qua xem xét đánh giá, hai khe co giãn trên cầu dẫn thuộc trụ ON6 và OB6 đường ô tô cầu Thăng Long không thể tiếp tục sửa chữa do không có phụ kiện thay thế tương đương. Để đảm bảo an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông và không ảnh hưởng đến dân cư sinh sống trong khu vực, Bộ Giao thông Vận tải giao Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị khẩn trương tiến hành thay thế đồng bộ hai khe co giãn trên cầu dẫn thuộc trụ ON6 va OB6 xong trước Tết Nguyên đán 2015. Bộ Giao thông Vận tải giao các cơ quan tham mưu trực thuộc Bộ chủ động phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam triển khai các nội dung liên quan đến công tác thay thế hai khe co giãn nêu trên.
Theo Công văn, cầu Thăng Long đã được đưa vào khai thác sử dụng hơn 30 năm. Trong quá trình khai thác, kinh phí bảo trì hàng năm còn hạn chế nên các hạng mục cần đại tu sửa chữa lớn vẫn chưa được đáp ứng yêu cầu. Hai khe co giãn kép trên phần cầu dẫn thuộc trụ ON6 và OB6 của đường ô tô cầu Thăng Long do Liên Xô cũ chế tạo đã cũ và hư hỏng lớn, chưa được đại tu thay thế dẫn đến hiện tượng gãy lò xo hình đĩa, đứt bu lông cường độ cao, bong, vỡ môi hàn tay hãm cốc, mòn và cong vênh các tấm thép. Mặc dù đã được đơn vị quản lý nhiều lần sửa chữa khẩn cấp nhưng vẫn xảy ra các đứt gẫy, hư hỏng và đây là nguyên nhân gây ra những va đập mạnh ở khe co giãn khi có các phương tiện giao thông chạy qua. Đặc biệt, khi có các xe tải hạng nặng chạy qua gây ra những tiếng động lớn ảnh hưởng đến dân cư sinh sống trong khu vực.
Quang Toàn (TTXVN)

Tết Nguyên Đán 2015: Giá cước vận tải giảm mạnh trước Tết

Cước vận tải đường bộ, theo báo cáo của 38/63 địa phương gửi Bộ Tài chính, giá trung bình cước taxi đã giảm từ 0,92% - 26,32%, trong đó, phổ biến giảm từ 3 - 10%.
Tin tức trên báo Đại Lộ, nhằm điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015, Bộ Tài chính yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi chèn ép, đầu cơ vé tàu, vé xe.
Từ tháng 7/2014 đến nay, trước tình hình giá xăng dầu liên tục giảm, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT kịp thời chỉ đạo doanh nghiệp kê khai giảm giá cước vận tải ô tô phù hợp với biến động giảm của chi phí nhiên liệu.
Theo đó, giá vé trần máy bay đã giảm 15% so với mức trần trước được quy định từ cuối năm 2011. Giá vé tàu đường sắt tất cả các loại chỗ đã giảm 10%.
Hiện, tỷ trọng chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 39,5% đối với vận tải hàng không và chiếm 30% đối với vận tải đường sắt.
Riêng với cước vận tải đường bộ, theo báo cáo của 38/63 địa phương gửi Bộ Tài chính, giá trung bình cước taxi đã giảm từ 0,92% - 26,32%, trong đó, phổ biến giảm từ 3 - 10%.
Giá cước xe khách tuyến cố định giảm trung bình từ 3 - 21,7%, trong đó phổ biến giảm từ 5 - 10%. Cước vận tải hàng hoá giảm trung bình từ 3 - 18%.
Trong đó, tại Hà Nội, lĩnh vực taxi đa số công ty giảm giá chiếm nhiều nhất, với tổng số 64 công ty, mức giảm từ 2 - 10%.
Riêng tháng 12 đã tăng thêm 12 công ty giảm giá so với tháng 11. Lĩnh vực xe khách đã có thêm 5 công ty, nâng tổng số hãng xe giảm giá là 11, với mức giảm từ 4,6 - 10,6%.
Tết Nguyên Đán 2015: Giá cước vận tải giảm mạnh trước Tết
Tết Nguyên Đán 2015: Giá cước vận tải giảm mạnh trước Tết
Tại T.p HCM, tháng 12 có 25 hãng taxi giảm giá từ 3 - 9%, tăng thêm 18 công ty đăng ký giảm giá so với tháng 11/2014. Cùng đó, đã có 42 hãng xe khách giảm giá từ 2 - 14%.
Đà Nẵng có 6 công ty taxi giảm cước từ 3 - 32%, 1 hãng xe khách giảm giá 8,3% và 4 công ty vận tải hàng hoá giảm cước từ 3 - 18%.
Kết quả rà soát của Bộ Tài chính cho biết, tỷ lệ giảm giá của các doanh nghiệp có sự chênh lệch khác nhau.
Đối với các đơn vị đã giữ ổn định giá cước từ năm 2011 - 2012 , tới nay không điều chỉnh giá hoặc tỷ lệ điều chỉnh trên dưới 1%.
Đối với các đơn vị kê khai giá từ năm 2013, tỷ lệ giảm trên dưới 10%. Đối với các đơn vị đã điều chỉnh tăng giá trong năm 2014 là giai đoạn giá xăng dầu tăng, tỷ lệ giảm giá sâu hơn, trên dưới 20%.
Năm 2015, Bộ Tài chính và Bộ GTVT sẽ tiếp tục phối hợp giảm sát việc điều chỉnhgiá cước theo biến động giá xăng dầu.
Đoàn liên ngành của hai bộ sẽ tập trung kiểm tra tại 8 địa bàn là Hải Phòng, Hà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đăk Lăk, Tp.HCM, Cần Thơ.
Thông tin trên VnExpress, theo Bộ Tài chính, tỷ lệ giảm giá cước của các doanh nghiệp có sự chênh lệch do một số nguyên nhân như đã giữ ổn định giá cước và kê khai từ năm 2011-2012 thì nay không điều chỉnh giá hoặc tỷ lệ điều chỉnh chỉ trên dưới 1%.
Còn với các đơn vị kê khai giá từ năm 2013 thì tỷ lệ giảm trên dưới 10%. Riêng đối với các đơn vị đã điều chỉnh tăng giá trong năm 2014 (giai đoạn giá xăng dầu tăng) thì tỷ lệ giảm giá sâu hơn, trên dưới 20%.
Bộ Tài Chính cho rằng mức điều chỉnh giảm giá cước của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải như trên là tương đối phù hợp với mức giảm giá của xăng dầu. Bởi theo phân tích của cơ quan này, tỷ trọng chi phí nhiên liệu bằng vận tải ôtô chiếm khoảng 25-35% giá thành với xe chạy xăng (chủ yếu là taxi), 35-45% đối với xe chạy dầu (chủ yếu là vận tải hành khách và hàng hóa). Với mức giảm giá xăng dầu thời điểm hiện tại khoảng 27% so với mức giá tại ngày 1/1/2014 thì giá cước vận tải giảm trung bình 3-10% là tương đối phù hợp.
Ngoài sự điều chỉnh của các đơn vị kinh doanh vận tải đường bộ thì trong đợt giảm giá này, các doanh nghiệp vận tải hàng không nội địa cũng sẽ giảm giá trần 15%; vận tải đường sắt giảm trung bình khoảng 10%.
Từ đầu năm tới ngày 22/12, giá xăng đã giảm tổng cộng 6.330 đồng một lít, giá dầu giảm 5.970 đồng. Trước tình hình này, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Sở Tài chính, các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy định về kinh doanh vận tải ôtô và kê khai giá cước tại địa phương.
Trong đó đề nghị các địa phương kiểm tra, rà soát, yêu cầu doanh nghiệp kê khai giảm giá cước vận tải ôtô phù hợp với biến động giảm của chi phí nhiên liệu. Đối với các đơn vị chưa thực hiện, cần có văn bản yêu cầu tính toán lại giá thành và kê khai giảm giá cước phù hợp với biến động của giá nhiên liệu, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Đối với trường hợp quá thời hạn quy định mà các đơn vị không thực hiện kê khai giảm giá cước theo xu hưởng giảm giá nhiên liệu, sẽ xử lý vi phạm theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 109/2013. Theo văn bản này, vi phạm về đăng ký, kê khai giá có thể chịu mức phạt từ 20 đến 30 triệu đồng. Đồng thời, số tiền chênh lệch giá do vi phạm sẽ phải nộp vào ngân sách.
Ngọc Anh (Tổng hợp)

Dân bức xúc vì phụ thu vé xe Tết cao ngất

Bộ GTVT mới đây có văn bản đề nghị thành lập đoàn kiểm tra thực hiện giá cước vận tải bằng xe ô tô, đặc biệt trong giai đoạn Tết Âm lịch năm 2015.
Bộ cũng yêu cầu các đơn vị phải kê khai giảm giá cước phù hợp với giá nhiên liệu, kiên quyết xử lý nghiêm các đơn vị vận tải thực hiện không đúng các quy định về kê khai và niêm yết giá cước.
Dù giá xăng đã giảm rất sâu nhưng giá vé xe khách chỉ giảm thưa thớt, thậm chí dịp Tết các tuyến từ TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh lại được các doanh nghiệp tự ý áp mức phụ thu cao ngất đến 60%.
Dân bức xúc vì phụ thu vé xe Tết cao ngất
Hành khách tập trung mua vé tại Bến xe Miền Đông (chụp ngày 14/1)
Hơn 2/3 doanh nghiệp chưa giảm giá
Theo ghi nhận của Báo Giao thông, đến ngày 14/1, có rất ít doanh nghiệp vận tải đi đến TP Hồ Chí Minh đăng ký giảm giá cước và nếu có giảm cũng chỉ giảm cho có.
Ông Thượng Thanh Hải, Phó giám đốc Bến xe Miền Đông cho biết: Tính đến ngày 12/1, tại bến xe mới chỉ có 120 trong tổng số 207 doanh nghiệp vận tải hành khách kê khai giảm giá cước sau khi giá xăng giảm 35% qua các đợt. Mức giảm giá cước chỉ từ 5 - 10%, thậm chí có những doanh nghiệp chỉ giảm 2 - 3%. Trong dịp Tết sắp tới, các doanh nghiệp tăng giá vé phụ thu cao nhất khoảng 60% vào những ngày cao điểm.
"Việc giảm giá cước vận tải hiện nay chưa theo kịp mức giảm của giá xăng dầu. Theo tôi với mức biến động của giá nhiên liệu thời gian qua, các doanh nghiệp vận tải cần phải giảm cước từ 3 - 7%”.
Ông Nguyễn Văn Thanh
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam
Tương tự, tại Bến xe Miền Tây, theo Phó Giám đốc Trần Văn Phương, qua các đợt xăng giảm giá, mới chỉ có 70 trong tổng số 130 doanh nghiệp hoạt động tại bến tự nguyện đăng ký giảm cước vận tải (mức giảm từ 5- 10% giá vé). Riêng với vé Tết áp dụng mức phụ thu cao nhất là 40% so với mức giá vé ngày thường và thời gian phụ thu là 6 ngày (gồm bốn ngày trước Tết và hai ngày sau Tết).
Lý giải về việc các doanh nghiệp tăng giá vé phụ thu tới 60% vào những ngày cao điểm, ông Thượng Thanh Hải cho rằng là để bù đắp chi phí chiều chạy rỗng chứ không phải tăng giá vé trong khi xăng giảm. Theo tính toán của Bến xe Miền Đông, nếu so sánh giá vé năm trước và hiện giờ, mức phụ thu là như nhau nhưng tính trên giá gốc của vé (giá vé ngày thường) sau khi đã giảm do xăng dầu thì giá vé giảm từ 5 - 7% so với năm ngoái. “Việc tăng giá vé phụ thu dịp Tết, bến xe chỉ có thể giám sát việc kê khai có đúng hay không, còn yêu cầu các doanh nghiệp vận tải giảm giá cước thì do bên Sở Tài chính quyết định”, ông Hải nói.
Dân bức xúc vì phụ thu vé xe Tết cao ngất
Hành khách mua vé xe
Bị tăng tới 60% phụ thu, dân bức xúc
Là một trong số ít doanh nghiệp tự nguyện đăng ký giảm giá vé, ông Lê Văn Tám, chủ doanh nghiệp tư nhân Cô Hai cho biết: “Hai năm gần đây công ty vẫn giữ giá vé 290 nghìn đồng/vé chuyến Đắk Lắk. Nhưng sau đợt xăng giảm giá vào giữa năm 2014, nhà xe giảm còn 280 nghìn đồng/vé. Đến đợt xăng giảm mạnh mới đây, nhà xe đã giảm giá vé xuống còn 270 nghìn đồng/vé”.
Giải thích việc phụ thu 60% giá vé Tết ngày cao điểm (từ ngày 21-30/12 Âm lịch), ông Tám cho rằng: “Mọi năm phụ thu đều như nhau. Cuối năm 2014, xăng giảm mạnh người dân cứ nghĩ giá vé cũng phải giảm theo. Tuy nhiên, thực tế đây là phụ thu để nhà xe bù đắp chiều chạy rỗng (không có khách). Còn trong đợt xăng giảm giá vừa qua, nhiều doanh nghiệp chưa đăng ký kê khai giảm giá cước nhưng vẫn tính phụ thu căn cứ trên giá vé gốc. Như vậy, người dân chịu thiệt kép nên họ kêu là đương nhiên”.
Bà Nguyễn Thị Ga (58 tuổi, quê Phú Yên), đang đứng chờ người nhà mua vé của nhà xe Chín Nghĩa bức xúc: “Giá vé năm ngoái bà mua về TP Tuy Hòa là 450 nghìn đồng, năm nay vẫn giữ nguyên, không giảm. Giá xăng dầu giảm sâu mà không thấy vé xe khách giảm gì cả”.
Dân bức xúc vì phụ thu vé xe Tết cao ngất
Giá phụ thu tăng từ 20 - 60%
Cầm hai tấm vé trên tay với vẻ mặt mệt mỏi sau một hồi chen lấn để mua vé, bà Dương Thị Hồng (43 tuổi, quê Quảng Ngãi) cho biết: “Năm nay tôi mua hai vé cùng chồng về quê ở Quảng Ngãi đón Tết. Hai vợ chồng tôi vào đây làm thuê, lương tháng mỗi người chỉ hơn 3 triệu, mỗi năm chỉ dám về quê một lần dịp Tết. Xăng dầu ngày càng giảm, nhà xe lại không chịu hạ giá vé, nhưng vì muốn về quê đón Tết nên phải mua thôi. Bây giờ mình không mua thì người khác mua. Hết vé lại không về được. Tết thì chỉ có mỗi năm một lần”.
Bộ GTVT mới đây có văn bản đề nghị thành lập đoàn kiểm tra thực hiện giá cước vận tải bằng xe ô tô, đặc biệt trong giai đoạn Tết Âm lịch năm 2015. Bộ cũng yêu cầu các đơn vị phải kê khai giảm giá cước phù hợp với giá nhiên liệu, kiên quyết xử lý nghiêm các đơn vị vận tải thực hiện không đúng các quy định về kê khai và niêm yết giá cước. 
Ông Nguyễn Xuân Tụ (quê Lâm Đồng), đang làm thuê tại TP Hồ Chí Minh cũng không giấu được bức xúc: “Giá xăng dầu giảm mà giá vé xe không giảm, đã thế còn áp nhiều phụ phí cao ngất, thật bất công cho chúng tôi quá. Tôi bỏ tiền triệu ra mua vé của hãng xe mà vào đó còn bị nhân viên nhà xe quát mắng, chửi bới”.
Nói về việc phụ thu giá cước dịp Tết, ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc Bến xe Nước Ngầm cho biết, hiện nay tại Bến xe Nước Ngầm chưa có doanh nghiệp nào thông báo về việc áp phụ thu giá cước dịp Tết. Tại Hà Nội, từ trước tới nay cũng có năm cho phụ thu giá cước dịp Tết nhưng cũng có năm không. Tuy nhiên, năm cao nhất tối đa cũng chỉ ở mức 40%. Theo tôi, việc phụ thu giá cước có thể cho áp dụng nhưng ở mức độ thế nào để hợp lý, không nên cao quá. Việc quản lý của bến xe với mức phụ thu là phụ thuộc vào chỉ đạo của Sở GTVT. Nếu doanh nghiệp vận tải nào tăng vượt khung, chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý.