Thứ Ba, 30 tháng 12, 2014

TP HCM thu hơn 26 tỷ đồng tiền phạt xe quá tải, dồn tải

Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng thành phố đã kiểm tra hơn 22.400 lượt xe, phát hiện và xử lý gần 6.000 trường hợp vi phạm quá tải.

Chiều 23/12, Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Tổng cục đường bộ Việt Nam tổ chức hội nghị Ký cam kết không xếp hàng lên phương tiện vượt quá tải trọng cho phép tham gia giao thông. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các ban ngành liên quan và doanh nghiệp vận tải.

TP HCM thu hơn 26 tỷ đồng tiền phạt xe quá tải, dồn tải

Xe nối đuôi nhau chờ nâng, hạ tải trên đường Lê Phụng Hiểu - đối diện cổng cảng Cát Lái
Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng thành phố đã kiểm tra hơn 22.400 lượt xe, phát hiện và xử lý gần 6.000 trường hợp vi phạm quá tải, chiếm khoảng 27%, phạt thu trên 26 tỷ đồng. Với trường hợp xe dồn tải, lực lượng liên ngành đã lập biên bản 61 trường hợp vi phạm và số tiền phạt hơn 300 triệu đồng.

Đại biểu dự hội nghị cho rằng, để xử lý triệt để tình trạng xe quá tải, ngoài triển khai các trạm cân lưu động thì ngăn chặn xếp hàng quá tải ngay từ gốc là giải pháp quan trọng, góp phần chấm dứt tình trạng xe quá tải hoạt động.

Đại diện các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa trên địa bàn thành phố cũng đã ký cam kết không xếp hàng lên phương tiện vượt tải trọng cho phép.

Nội dung bản cam kết nêu rõ: các đơn vị thực hiện nghiêm chỉnh việc xếp hàng hóa trên phương tiện theo đúng quy định khi tham gia giao thông trên đường bộ. Trong đó kiên quyết không xếp hàng vượt quá tải trọng; lập sổ sách theo dõi dữ liệu của phương tiện và khối lượng hàng hóa vận chuyển khi ra, vào nhà máy, mỏ; thực hiện ký xác nhận khối lượng hàng hóa xếp lên phương tiện vào Giấy vận tải hoặc các chứng nhận có liên quan đến vận tải hàng hóa khi xếp hàng xong, và ban hành quy chế, xử lý vi phạm đối với cá nhân, đơn vị trực thuộc nếu vi phạm về xếp hàng vượt trọng tải...

Ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: "Chúng ta cần tiến tới trách nhiệm ràng buộc lẫn nhau nữa, để kiểm tra, giám sát và xử lý. Chúng ta phải biết được chủ phương tiện nào thường xuyên vi phạm, biết được khu vực nào, tuyến đường nào của các chốt giao thông, hoặc lực lượng thanh tra giao thông để xe quá khổ quá tải lưu thông. Tại sao ở các bến hàng, bốc dỡ hàng hoá đúng rồi mà xe quá khổ quá tải vẫn lưu thông được. Như vậy, lực lượng kiểm tra đã để sót ở khâu nào? Đó là số liệu mà chúng ta cần biết được để có thể giám sát lẫn nhau".
Ngọc Luân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét