Thứ Ba, 10 tháng 2, 2015

Dân bức xúc vì phụ thu vé xe Tết cao ngất

Bộ GTVT mới đây có văn bản đề nghị thành lập đoàn kiểm tra thực hiện giá cước vận tải bằng xe ô tô, đặc biệt trong giai đoạn Tết Âm lịch năm 2015.
Bộ cũng yêu cầu các đơn vị phải kê khai giảm giá cước phù hợp với giá nhiên liệu, kiên quyết xử lý nghiêm các đơn vị vận tải thực hiện không đúng các quy định về kê khai và niêm yết giá cước.
Dù giá xăng đã giảm rất sâu nhưng giá vé xe khách chỉ giảm thưa thớt, thậm chí dịp Tết các tuyến từ TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh lại được các doanh nghiệp tự ý áp mức phụ thu cao ngất đến 60%.
Dân bức xúc vì phụ thu vé xe Tết cao ngất
Hành khách tập trung mua vé tại Bến xe Miền Đông (chụp ngày 14/1)
Hơn 2/3 doanh nghiệp chưa giảm giá
Theo ghi nhận của Báo Giao thông, đến ngày 14/1, có rất ít doanh nghiệp vận tải đi đến TP Hồ Chí Minh đăng ký giảm giá cước và nếu có giảm cũng chỉ giảm cho có.
Ông Thượng Thanh Hải, Phó giám đốc Bến xe Miền Đông cho biết: Tính đến ngày 12/1, tại bến xe mới chỉ có 120 trong tổng số 207 doanh nghiệp vận tải hành khách kê khai giảm giá cước sau khi giá xăng giảm 35% qua các đợt. Mức giảm giá cước chỉ từ 5 - 10%, thậm chí có những doanh nghiệp chỉ giảm 2 - 3%. Trong dịp Tết sắp tới, các doanh nghiệp tăng giá vé phụ thu cao nhất khoảng 60% vào những ngày cao điểm.
"Việc giảm giá cước vận tải hiện nay chưa theo kịp mức giảm của giá xăng dầu. Theo tôi với mức biến động của giá nhiên liệu thời gian qua, các doanh nghiệp vận tải cần phải giảm cước từ 3 - 7%”.
Ông Nguyễn Văn Thanh
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam
Tương tự, tại Bến xe Miền Tây, theo Phó Giám đốc Trần Văn Phương, qua các đợt xăng giảm giá, mới chỉ có 70 trong tổng số 130 doanh nghiệp hoạt động tại bến tự nguyện đăng ký giảm cước vận tải (mức giảm từ 5- 10% giá vé). Riêng với vé Tết áp dụng mức phụ thu cao nhất là 40% so với mức giá vé ngày thường và thời gian phụ thu là 6 ngày (gồm bốn ngày trước Tết và hai ngày sau Tết).
Lý giải về việc các doanh nghiệp tăng giá vé phụ thu tới 60% vào những ngày cao điểm, ông Thượng Thanh Hải cho rằng là để bù đắp chi phí chiều chạy rỗng chứ không phải tăng giá vé trong khi xăng giảm. Theo tính toán của Bến xe Miền Đông, nếu so sánh giá vé năm trước và hiện giờ, mức phụ thu là như nhau nhưng tính trên giá gốc của vé (giá vé ngày thường) sau khi đã giảm do xăng dầu thì giá vé giảm từ 5 - 7% so với năm ngoái. “Việc tăng giá vé phụ thu dịp Tết, bến xe chỉ có thể giám sát việc kê khai có đúng hay không, còn yêu cầu các doanh nghiệp vận tải giảm giá cước thì do bên Sở Tài chính quyết định”, ông Hải nói.
Dân bức xúc vì phụ thu vé xe Tết cao ngất
Hành khách mua vé xe
Bị tăng tới 60% phụ thu, dân bức xúc
Là một trong số ít doanh nghiệp tự nguyện đăng ký giảm giá vé, ông Lê Văn Tám, chủ doanh nghiệp tư nhân Cô Hai cho biết: “Hai năm gần đây công ty vẫn giữ giá vé 290 nghìn đồng/vé chuyến Đắk Lắk. Nhưng sau đợt xăng giảm giá vào giữa năm 2014, nhà xe giảm còn 280 nghìn đồng/vé. Đến đợt xăng giảm mạnh mới đây, nhà xe đã giảm giá vé xuống còn 270 nghìn đồng/vé”.
Giải thích việc phụ thu 60% giá vé Tết ngày cao điểm (từ ngày 21-30/12 Âm lịch), ông Tám cho rằng: “Mọi năm phụ thu đều như nhau. Cuối năm 2014, xăng giảm mạnh người dân cứ nghĩ giá vé cũng phải giảm theo. Tuy nhiên, thực tế đây là phụ thu để nhà xe bù đắp chiều chạy rỗng (không có khách). Còn trong đợt xăng giảm giá vừa qua, nhiều doanh nghiệp chưa đăng ký kê khai giảm giá cước nhưng vẫn tính phụ thu căn cứ trên giá vé gốc. Như vậy, người dân chịu thiệt kép nên họ kêu là đương nhiên”.
Bà Nguyễn Thị Ga (58 tuổi, quê Phú Yên), đang đứng chờ người nhà mua vé của nhà xe Chín Nghĩa bức xúc: “Giá vé năm ngoái bà mua về TP Tuy Hòa là 450 nghìn đồng, năm nay vẫn giữ nguyên, không giảm. Giá xăng dầu giảm sâu mà không thấy vé xe khách giảm gì cả”.
Dân bức xúc vì phụ thu vé xe Tết cao ngất
Giá phụ thu tăng từ 20 - 60%
Cầm hai tấm vé trên tay với vẻ mặt mệt mỏi sau một hồi chen lấn để mua vé, bà Dương Thị Hồng (43 tuổi, quê Quảng Ngãi) cho biết: “Năm nay tôi mua hai vé cùng chồng về quê ở Quảng Ngãi đón Tết. Hai vợ chồng tôi vào đây làm thuê, lương tháng mỗi người chỉ hơn 3 triệu, mỗi năm chỉ dám về quê một lần dịp Tết. Xăng dầu ngày càng giảm, nhà xe lại không chịu hạ giá vé, nhưng vì muốn về quê đón Tết nên phải mua thôi. Bây giờ mình không mua thì người khác mua. Hết vé lại không về được. Tết thì chỉ có mỗi năm một lần”.
Bộ GTVT mới đây có văn bản đề nghị thành lập đoàn kiểm tra thực hiện giá cước vận tải bằng xe ô tô, đặc biệt trong giai đoạn Tết Âm lịch năm 2015. Bộ cũng yêu cầu các đơn vị phải kê khai giảm giá cước phù hợp với giá nhiên liệu, kiên quyết xử lý nghiêm các đơn vị vận tải thực hiện không đúng các quy định về kê khai và niêm yết giá cước. 
Ông Nguyễn Xuân Tụ (quê Lâm Đồng), đang làm thuê tại TP Hồ Chí Minh cũng không giấu được bức xúc: “Giá xăng dầu giảm mà giá vé xe không giảm, đã thế còn áp nhiều phụ phí cao ngất, thật bất công cho chúng tôi quá. Tôi bỏ tiền triệu ra mua vé của hãng xe mà vào đó còn bị nhân viên nhà xe quát mắng, chửi bới”.
Nói về việc phụ thu giá cước dịp Tết, ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc Bến xe Nước Ngầm cho biết, hiện nay tại Bến xe Nước Ngầm chưa có doanh nghiệp nào thông báo về việc áp phụ thu giá cước dịp Tết. Tại Hà Nội, từ trước tới nay cũng có năm cho phụ thu giá cước dịp Tết nhưng cũng có năm không. Tuy nhiên, năm cao nhất tối đa cũng chỉ ở mức 40%. Theo tôi, việc phụ thu giá cước có thể cho áp dụng nhưng ở mức độ thế nào để hợp lý, không nên cao quá. Việc quản lý của bến xe với mức phụ thu là phụ thuộc vào chỉ đạo của Sở GTVT. Nếu doanh nghiệp vận tải nào tăng vượt khung, chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét