Thứ Sáu, 17 tháng 10, 2014

Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải bằng xe ô-tô

Nghị định 86/2014/NĐ-CP với nhiều quy định mới về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải (KDVT) bằng xe ô-tô đã thể hiện rõ quyết tâm của Chính phủ cũng như ngành giao thông vận tải (GTVT) trong việc siết chặt quản lý loại hình kinh doanh này trong thời gian tới.
Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải bằng xe ô-tô
Các loại xe khách, nhất là xe khách giường nằm sẽ là "đối tượng" quản lý bởi Nghị định 86/2014/NĐ-CP.
Siết chặt điều kiện kinh doanh Một điểm mới đáng chú ý trong Nghị định là quy định rõ các điều kiện đối với loại xe KDVT hợp đồng nhằm quản lý chặt chẽ hành trình của loại xe này, chống tình trạng xe dù và xe hợp đồng trá hình chạy tuyến cố định. Theo đó, từ ngày 1-7-2015, đối với xe ô-tô có trọng tải thiết kế từ 10 hành khách trở lên, trước khi thực hiện hợp đồng, đơn vị KDVT phải thông báo tới Sở GTVT nơi cấp Giấy phép KDVT các thông tin cơ bản của chuyến đi bao gồm: Hành trình, số lượng khách, các điểm đón, trả khách, thời gian thực hiện hợp đồng. Phó Tổng cục trưởng Đường bộ Nguyễn Văn Quyền cho biết: Hiện, lực lượng phương tiện tham gia loại hình hoạt động KDVT hợp đồng khá lớn, nhất là tại các thành phố lớn có thể lên đến hàng chục nghìn đầu xe. Quy định hiện hành đang cho phép các hộ cũng được phép tham gia kinh doanh loại hình này, gây ra hiện tượng có quá nhiều đầu mối, dẫn đến khó quản lý.
Những quy định mới trong Nghị định 86 đã tạo điều kiện cho các sở GTVT có thể dễ dàng kiểm tra hoạt động của các xe KDVT hợp đồng. Chỉ cần so sánh thông tin đăng ký với dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình, là có thể xác định ngay các xe này có chạy đúng quy định hay không, từ đó nếu vi phạm sẽ xử lý. Việc này sẽ giúp giảm hẳn tình trạng xe hợp đồng trá hình chạy tuyến cố định, tranh giành khách với xe khách thường, đón trả khách giữa đường,... thường gây mất an toàn giao thông nghiêm trọng. Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô-tô Nguyễn Văn Thanh nhận xét: Việc Nghị định 86 công nhận và quy định rõ điều kiện hoạt động của xe trung chuyển là điểm mới hợp lý. Loại hình phương tiện này sẽ phụ trách việc đưa đón hành khách từ các địa điểm trong thành phố ra các bến xe, giúp loại bỏ hẳn ưu thế trước đây của các xe hợp đồng thường được tiến sâu vào trung tâm thành phố.
Liên quan việc siết chặt quản lý loại hình vận tải xe khách giường nằm (XKGN), Cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam Trần Kỳ Hình cho biết: Hiện, cả nước có hơn 4.500 XKGN đã được kiểm định về điều kiện an toàn kỹ thuật. Tuy nhiên, việc bảo đảm an toàn của xe còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chất lượng xe, cung đường, người lái và các yếu tố tương thích khác.
Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Bộ GTVT về việc thử nghiệm, kiểm tra để đưa ra những thông số, đề xuất thay đổi tiêu chuẩn nâng cao tính an toàn, Cục Đăng kiểm đã triển khai nghiên cứu sự phù hợp của XKGN với từng cung đường, trên cơ sở đó có những lộ trình nhất định đối với các tuyến đường, loại xe cụ thể. Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia Khuất Việt Hùng khẳng định: Nghị định 86 có quy định rõ ràng việc quy hoạch tuyến cho XKGN. Sau khi có báo cáo từ Cục Đăng kiểm, căn cứ vào đó để xác định rõ những tuyến có độ cong, độ dốc bao nhiêu, XKGN sẽ không được hoạt động, từ đó sẽ đưa ra được quy hoạch cụ thể.
"Gom" để phát triển Nghị định 86 cũng quy định rõ quy mô của các đơn vị KDVT. Theo đó, riêng đối với xe khách tuyến cố định của đơn vị có trụ sở tại các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, sẽ phải có tối thiểu 20 xe. Tương tự, đối với các tỉnh còn lại sẽ phải có tối thiểu 10 đầu xe.
Riêng đơn vị có trụ sở đặt tại huyện nghèo theo quy định của Chính phủ phải có tối thiểu năm đầu xe. Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Quyền giải thích: Trước đây, hoạt động KDVT bằng xe ô-tô ở nước ta phát triển quá nhanh theo chiều rộng mà chưa đầu tư chiều sâu, dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp thường có kết cấu đơn giản, năng lực yếu,... khó có thể đáp ứng nhu cầu phát triển trong thời gian tới. Vì vậy, việc tái cơ cấu hoạt động KDVT bằng xe ô-tô đang là yêu cầu bức thiết cần làm ngay. Việc tập trung lực lượng sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn cho doanh nghiệp trong việc ứng dụng khoa học công nghệ cùng các phương pháp quản lý tiên tiến,... giúp nâng cao chất lượng phục vụ, tăng cường năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp này, tiến tới hiện đại hóa toàn ngành vận tải đường bộ. Về quy mô của doanh nghiệp được đưa ra trong Nghị định, Tổng cục Đường bộ đã tổ chức nghiên cứu cụ thể về tổng thể quy mô của các doanh nghiệp trong từng khu vực cũng như số lượng đơn vị đang tham gia KDVT,... qua đó đưa ra đánh giá và quy mô chuẩn theo quy định sau khi đã tham khảo ý kiến của các Sở GTVT. "Mức quy mô của các doanh nghiệp KDVT được đưa ra trong Nghị định 86 chỉ là mức trung bình thấp trong từng khu vực đã khảo sát", ông Quyền khẳng định.
Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ đánh giá: Nghị định 86 có những điểm rất mới, nếu được triển khai tốt sẽ tác động tích cực tới sự phát triển của xã hội, đặc biệt ở lĩnh vực giao thông đường bộ. Tuy vậy, đây không phải là công việc một sớm một chiều, mà đòi hỏi phải có sự phối kết hợp đồng bộ từ nhiều phía. Chỉ khi Bộ GTVT, các đơn vị liên quan cùng các đơn vị kinh doanh, lái xe và mỗi người dân... cùng quyết liệt vào cuộc, thực hiện nghiêm các quy định trong Nghị định thì sẽ lập lại được kỷ cương trong công tác quản lý KDVT, tạo được thị trường vận tải lành mạnh, công khai và minh bạch, bảo đảm ATGT, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
CHÍ CÔNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét